09:11, 18/11/2009

Giảm dần xuất khẩu than, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước

Quy hoạch phát triển ngành than phải trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước và phục vụ nhu cầu trong nước là chính.

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua định hướng Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, có xét triển vọng đến năm 2025 với 10 nội dung chủ yếu đòi hỏi ngành Than phải tập trung thực hiện. Cũng căn cứ vào định hướng này, Bộ Công Thương phải phối hợp xây dựng Quy hoạch nói trên, hoàn thành Báo cáo Đánh giá tác động môi trường chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2010.

Đẩy mạnh việc khai thác, thăm dò các bể than mới
Đẩy mạnh việc khai thác, thăm dò các bể than mới

Giảm dần xuất khẩu than, chấm dứt sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công

Theo dự báo, từ năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu than mới đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Năm 2009, nhu cầu than trong nước chưa đầy 20 triệu tấn, nhưng vào năm 2015 nhu cầu vọt lên 90 triệu tấn, bởi hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, nhà máy đạm đều đi vào sản xuất.

Kế hoạch của ngành than năm 2009 có thể đạt sản lượng sản xuất 40 triệu tấn than thương phẩm. Trong số này, nhu cầu tiêu dùng trong nước chỉ vào khoảng 19,5-20 triệu tấn. Số còn lại (khoảng 20 triệu tấn) sẽ xuất khẩu. Như vậy lượng than xuất khẩu năm nay vẫn chiếm một khối lượng lớn trong tổng sản lượng khai thác. Trong khi đó than là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, phục hồi, hơn việc nhập khẩu cũng rất khó khăn và giá cao.

Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ chủ trương với ngành than là phải đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm việc xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam căn cứ vào nhu cầu nội địa, xây dựng kế hoạch khai thác than cho từng năm, từng giai đoạn và có phương án nhập khẩu than đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng than cho nền kinh tế.

Để bền vững ngành than, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngành Than phải sớm hình thành thị trường than cạnh tranh, hội nhập với khu vực và thế giới, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh. Đi kèm với yêu cầu này là phải tăng cường khâu chế biến than, tức là tập trung theo hướng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, thay vì việc xuất than thô hoặc những sản phẩm than chế biến đơn giản sẽ vừa làm giảm giá trị than, vừa mất nguồn thu cho ngân sách.

Thủ tướng yêu cầu ngành Than đẩy mạnh đầu tư sàng tuyển theo hướng tập trung, đến năm 2010 chấm dứt việc sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho bến xuất than.

 

Đổi mới kỹ thuật trong chế biến và khai thác than để mang lại hiệu quả cao nhất
Đổi mới kỹ thuật trong chế biến và khai thác than để mang lại hiệu quả cao nhất

Đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng than

Định hướng Quy hoạch ngành Than bao gồm cả yêu cầu phát triển bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Chú trọng đầu tư cho công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành. Thậm chí có thể đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực này để bổ sung nguồn than lâu dài cho nhu cầu trong nước. Dự báo nhu cầu than trong nước (gồm cả than bùn) đến giai đoạn 2025 là khoảng 382 triệu tấn, trong đó than cho điện đã chiếm khoảng 337 tấn.

Quy hoạch chỉ rõ, cuối năm 2015 hoàn thành công tác thăm dò phần tài nguyên dưới mức -300m của bể than Đông Bắc; thăm dò xong một phần tài nguyên của bể than đồng bằng Sông Hồng với diện tích 932 km2 . Cuối năm 2025, thăm dò xong tài nguyên khối Đông Quan và Vũ Tiên, khu Đông Hưng và Tiền Hải của bể than đồng bằng Sông Hồng.

Chú ý đến môi trường khi khai thác than

Thực tế hiện nay, tại một số khu vực khai thác than tại Mạo khê, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1,2 – 5,2 lần. Thậm chí nước thải ở các mỏ than đang gây ảnh hưởng đến môi sinh sông, suối, vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn thuỷ sinh, suy giảm chất lượng nước,... Vì vậy vấn đề bức thiết đặt ra là cần phải tăng cường đầu tư công nghệ và thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm.

Theo định hướng Quy hoạch đã được Thủ tướng thông qua, đến năm 2015, ngành than cơ bản đạt các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm (đô thị, khu dân cư, điểm du lịch...) và đến năm 2020, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn bộ các vùng mỏ.

(Nguồn: Công văn 2197/TTg-KTN)

Theo Chinhphu.vn