09:11, 04/11/2009

Bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch bất động sản

Các hợp đồng, giao dịch được chứng nhận tại tổ chức hành nghề công chứng phải do các công chứng viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ công chứng thực hiện nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho cá nhân, tổ chức tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tại điểm b khoản 4 Điều 26 quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương để đáp ứng yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất; xem xét, quyết định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch mà UBND cấp huyện, cấp xã đang thực hiện sang tổ chức hành nghề công chứng ở những địa bàn cấp huyện mà tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng được yêu cầu công chứng...”.

Việc chứng thực theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP chỉ là căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính hoặc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực (chứng nhận về hình thức) còn công chứng là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương chuyển giao các hợp đồng, giao dịch mà UBND cấp huyện, cấp xã đang chứng thực sang cho các tổ chức hành nghề công chứng (gồm Phòng Công chứng Nhà nước và Văn phòng Công chứng tư) theo đúng quy định để đảm bảo an toàn pháp lý cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, pháp luật về đất đai, Luật Công chứng, thủ tục công chứng là bắt buộc đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Nếu không công chứng, các giao dịch này sẽ bị coi là vô hiệu do đã vi phạm về hình thức giao dịch.

Đến ngày 22-10-2009 đã có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ UBND sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, còn 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện việc chuyển giao này.

(Nguồn: Công văn số 3745 /BTP-BTTP)

Theo Chinhphu.vn