10:10, 30/10/2009

Quy định mới về xuất khẩu gỗ quý hiếm

Bộ NNPTNT nghiêm cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ các loại có nguồn gốc là gỗ rừng tự nhiên trong nước, cho phép xuất khẩu các loại củi, than có nguồn gốc hợp pháp từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa ban hành Thông tư 60/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Các loại gỗ nhóm IA là tang vật xử lý tịch thu chỉ được xuất khẩu ở dạng đồ mộc hoàn chính.
Các loại gỗ nhóm IA là tang vật xử lý tịch thu chỉ được xuất khẩu ở dạng đồ mộc hoàn chính.

Theo đó, khi xuất khẩu các loại củi, than này, thương nhân chỉ cần kê khai với hải quan về số lượng, chủng loại, không phải xuất trình nguồn gốc.

Đồng thời, sản phẩm làm từ gỗ thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của nhà nước và nhóm IIA quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP chỉ được phép xuất khẩu ở dạng đồ mộc hoàn chỉnh.

Thông tư chỉ rõ các nguyên tắc thực hiện các quy định về kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra với hàng hóa nhập khẩu trước khi thông quan. Nếu cửa khẩu chưa có cơ quan kiểm dịch động thực vật thì hàng hóa được thông quan theo cơ chế đăng ký trước, kiểm tra sau.

Về động vật, thực vật hoang dã quý hiếm không phải là gỗ và sản phẩm gỗ, Thông tư cấm các hoạt động xuất khẩu vì mục đích thương mại với động vật rừng thuộc nhóm IB, IIB, thực vật rừng nhóm IA, và động thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục I CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng).

Cho phép xuất khẩu vì mục đích thương mại với các động thực vật hoang dã được quy định tại Phụ lục II của CITES, thực vật rừng tự nhiên nhóm IIA. Ngoài ra, động thực vật hoang dã nhóm I, II và động thực vật quy định tại Phụ lục I, II của CITES có nguồn gốc sinh sản, trồng cấy nhân tạo cũng được phép xuất khẩu vì mục đích thương mại với một số điều kiện nhất định.

Ngoài ra, việc xuất nhập khẩu nguồn gen cây trồng quý hiếm, vật nuôi, vi sinh vật phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm, trao đổi khoa học kỹ thuật phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.

Nhóm IA, IIA: gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Nhóm IB, IIB: gồm các loài động vật rừng có giá trị về khoa học và môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao

Phụ lục I CITES gồm các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, cấm buôn bán thương mại giữa các nước trên thế giới

Phụ lục 2 CITES: Là danh sách những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do buôn bán quốc tế quá mức mà không được kiểm soát và điều chỉnh kịp thời, Các loài ghi trong phụ lục 2 được phép buôn bán quốc tế thông qua việc kiểm soát và hạn chế của các nước thành viên( phải có giấy phép xuất và nhập khẩu)

Theo Chinhphu.vn