10:10, 18/10/2009

Gắn mục tiêu giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới

Xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững gắn với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Chương trình Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 (theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 5-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2010 giảm hộ nghèo xuống còn 11%; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 1,45 lần so với năm 2005; 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 6 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi; 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT, 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, 150.000 học sinh nghèo được miễn giảm học phí.

Gắn mục tiêu giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa (binhdinh.com.vn)
Gắn mục tiêu giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa (binhdinh.com.vn)

Đây là một chương trình rất lớn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn của nền kinh tế đất nước và thiên tai diễn biến phức tạp gây những hậu quả nặng nề.

Thời gian qua, chương trình đã được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt… tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo.

Theo Bộ NNPTNT, trong gần 4 năm (2006 – 2009), đã có khoảng 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/lượt/hộ, ước thực hiện 5 năm khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, mức vay bình quân 7-8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt trên 103% kế hoạch của cả 5 năm (2006 – 2010).

Nhìn chung số vốn vay được hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai ở 218 xã thuộc 35 tỉnh; có khoảng 2.000 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở trên 270 xã. Về dạy nghề cho người nghèo, trong 3 năm (2007-2009) đã có 100.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo.

Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 do Bộ LĐTBXH và Cơ quan Phát triển LHQ tại Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 10, đã đánh giá: Sau hơn 3 năm triển khai, Việt Nam đã đạt được tốc độ giảm nghèo nhanh hơn so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể là, trong khi mục tiêu đề ra ban đầu là mỗi năm, cả nước sẽ giảm khoảng 2% tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2006-2010 thì trên thực tế, tỷ lệ giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2008 đã lên tới 2,6% mỗi năm. Đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chỉ còn 12%, trong khi ở thời điểm cuối năm 2005, cả nước có tới 18% hộ nghèo.

Tuy nhiên, các ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra chúng ta chưa triển khai tốt thông tin về chính sách giảm nghèo của Nhà nước đến với đối tượng thụ hưởng. Hạn chế này đang được các nhà quản lý quan tâm và bổ sung chính sách vào giai đoạn tiếp theo, đó là xây dựng chương trình truyền thông về giảm nghèo.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn tới cần được thiết kế phù hợp hơn theo các định hướng đã được Chính phủ đề ra, đó là: Gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập trung nguồn lực và các giải pháp hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Theo Chinhphu.vn