03:10, 15/10/2009

9 chương trình lớn của chiến lược phát triển thủy lợi VN

Mục tiêu cụ thể mà Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam hướng tới vào năm 2020 là cấp đủ nguồn nước để khai thác 4,5 triệu ha đất canh tác hàng năm (riêng đất lúa 3,83 triệu ha), tiến tới bảo đảm tưới chủ động cho 100% diện tích lúa 2 vụ (3,32 triệu ha).

Chiến lược đặt ra 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2020, gồm cấp nước, tiêu thoát nước và bảo vệ môi trường nước, chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, đảm bảo phát huy trên 90% năng lực thiết kế, đưa trình độ khoa học công nghệ thủy lợi đạt mức trung bình của châu Á vào năm 2020, đến năm 2050 đạt trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới.

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải - Ảnh Cổng thông tin tỉnh Hải Dương
Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải - Ảnh Cổng thông tin tỉnh Hải Dương

Chiến lược cũng lồng ghép vấn đề nóng bỏng hiện nay là thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng khi đề cập đến một số giải pháp ứng phó vấn đề này trong việc phát triển thủy lợi.

Về kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược từ nay đến năm 2020, 9 chương trình lớn được đưa ra.

Đó là các Chương trình: Tăng cường công tác quản lý; phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi; nâng cấp và phát triển hồ chứa lớn lợi dụng tổng hợp; phát triển thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông-lâm-ngư nghiệp-nông thôn; phát triển thủy lợi, thủy điện nhỏ miền núi, hải đảo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Chiến lược đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển thủy lợi cho từng vùng.

Chẳng hạn, với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, sửa chữa, nâng cấp 7.394 công trình cấp nước, 103 công trình tiêu nước.

Với vùng đồng bằng Bắc bộ, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi gồm Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, Bắc Nam Hà… để tưới, tiêu ổn định cho 860.000 ha với tần suất đảm bảo 85%, tăng cường lấy phù sa cải tạo đất, mở rộng diện tích vụ Đông tạo thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng (mở rộng diện tích tưới các vùng bãi sông Hồng khoảng 4 vạn ha).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long, củng cố và phát triển hệ thống thoát lũ vùng tứ giác Long Xuyên ra biển Tây, hệ thống công trình chống lũ ở vùng giữa sông Tiền và sông Hậu, tăng cường hệ thống thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười ra sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây nhằm ngăn lũ sớm, đảm bảo an toàn thu hoạch lúa hè thu, đồng thời thoát lũ nhanh để kịp xuống giống vụ Đông Xuân. Hoàn chỉnh quy hoạch bố trí xây dựng các cụm dân cư vượt lũ để ổn định dân sinh ở các vùng ngập lũ.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch hành động nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện định hướng chiến lược, làm đầu mối quốc gia liên hệ với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này.

(Nguồn: Quyết định 1590/QĐ-TTg)

Theo Chinhphu.vn