Trong số các cuộc thi được cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10, có cuộc thi nghề phổ thông. Mục tiêu khuyến khích các em học nghề, định hướng nghề nghiệp rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, từ việc học của thế hệ con tôi cho thấy, thực trạng dạy - học nghề cho học sinh phổ thông còn mang tính hình thức, không đúng mục đích định hướng nghề nghiệp.
Trong số các cuộc thi được cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10, có cuộc thi nghề phổ thông. Mục tiêu khuyến khích các em học nghề, định hướng nghề nghiệp rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, từ việc học của thế hệ con tôi cho thấy, thực trạng dạy - học nghề cho học sinh (HS) phổ thông còn mang tính hình thức, không đúng mục đích định hướng nghề nghiệp.
Cháu tôi kể lại, hồi học THCS, nhà trường thông báo các cháu được đăng ký chọn học 1 trong 2 nghề: tin học hoặc nhiếp ảnh. Lúc đó, tôi đã băn khoăn tự hỏi tại sao chỉ giới hạn 2 nghề, trong khi trường nghề có rất nhiều ngành học khác nhau. Chưa hết, cháu còn cho biết, tiếng được đăng ký theo nguyện vọng, nhưng lại là “nguyện vọng tập thể”. Nghĩa là, cả lớp A đăng ký học tin học, hoặc cả lớp B đăng ký học nhiếp ảnh, không tập hợp lớp theo sở nguyện cá nhân. Cháu tôi thích học tin học, nhưng vì lớp cháu đăng ký học nhiếp ảnh, nên cháu đành phải theo.
2 năm sau, khi con tôi được đăng ký học nghề, tình hình không có gì thay đổi. Cháu lại phải học nhiếp ảnh theo cả lớp. Đáng nói là những giờ học nhiếp ảnh đã không mang lại hiệu quả nghề nghiệp thực sự. Đón cháu ở cổng trường, hỏi chuyện học ra sao, các bạn cháu tranh nhau nêu bức xúc: lớp có mỗi chiếc máy ảnh của thầy giáo đặt trên bàn giáo viên, các cháu chủ yếu… ngắm. Các cháu thực sự chẳng hình dung được thế nào là tiêu cự, bộ cảm biến, tốc độ màn trập… Lớp học chỉ chủ yếu đọc - chép. Ngày thi thực hành, mỗi cháu đều được cầm máy ảnh chụp, nhưng hoàn toàn không biết căn chỉnh, bởi máy ảnh đã được đặt chế độ phù hợp trước. Nhiệm vụ của HS chỉ là biết cầm máy ảnh cho chắc, hướng ống kính về phía đối tượng chụp, nhìn qua kính ngắm, nín thở và bấm chụp. Chính vì vậy, dù đã hoàn thành chương trình học nghề với mức điểm cao và nhà cũng có máy ảnh nhưng cả con và cháu tôi đều không biết tự thiết lập các thông số trước khi chụp ảnh. Các cháu đùa: “Tụi con dùng điện thoại chụp hình cũng ổn mà. Điện thoại thông minh bây giờ hỗ trợ chụp tự động nét lắm!”.
Năm nay, cháu tôi đã vào đại học, nhưng ngành cháu theo học hoàn toàn không liên quan đến nhiếp ảnh. Cháu tâm sự, hồi lớp 9 cố gắng học và thi nghề bởi được cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10, chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Rõ ràng, với cháu tôi, cũng như nhiều HS khác, học và thi nghề chỉ vì mục tiêu thực dụng cho việc xét tuyển vào lớp 10. Như vậy, mục tiêu định hướng nghề nghiệp đã không đạt được như ngành Giáo dục và Đào tạo đề ra, và lãng phí về nhân lực, thời gian. Đó là chưa kể, có một số ít trường hợp, điểm văn hóa 4 năm học THCS không đạt, nhưng do vớt vát từ cộng điểm nghề, nên vẫn đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10 như các bạn có học lực khá hơn. Điều này dường như khiến chất lượng HS vào lớp 10 kém thực chất.
Tuy vậy, nhìn rộng ra thì thấy, do quy định mọi HS đều học, thi nghề và được cộng điểm khi xét tuyển lớp 10 nên giữ hay bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10 không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của từng cá nhân. Đáng nói, nếu vẫn duy trì mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho các em, thì cần thay đổi cách dạy - học nghề; nếu không, nên bỏ quy định cộng điểm nghề.
T.M