11:08, 31/08/2016

Thông Caribe có hợp với Nha Trang?

Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Nha Trang vừa cho trồng 30 cây thông Caribe dọc phía đông đường Trần Phú, đoạn trước UBND tỉnh đến Công viên Yến Phi với mong muốn thay đổi cảnh quan và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến quan ngại về vấn đề này.

Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Nha Trang vừa cho trồng 30 cây thông Caribe dọc phía đông đường Trần Phú, đoạn trước UBND tỉnh đến Công viên Yến Phi với mong muốn thay đổi cảnh quan và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến quan ngại về vấn đề này.


Theo cán bộ kỹ thuật của công ty, đây là loài thông nhiệt đới (giống từ vùng Caribe), một trong những loài cây lá kim có tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất cao. Loài cây này được nhập vào Việt Nam từ những năm 1980 trở lại đây, cây sinh trưởng tốt và rất có triển vọng. Nếu thành công sẽ triển khai trồng thêm trên nhiều tuyến đường khác, hy vọng góp thêm một loại cây có hình dáng đẹp cho thành phố. Hiện nay, các cây thông được trồng đang trong quá trình hồi phục.

 

Cây thông Caribe mới được trồng
Cây thông Caribe mới được trồng


Tuy nhiên, cũng đã có không ít ý kiến quan ngại về độ thích ứng của loại cây này. Ông Trần Minh Thiên (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) nói: “Khi thấy người ta đem thông ra trồng ở đường biển, tôi thấy lạ. Vì thông vốn là cây xứ lạnh, thích hợp với độ cao và nhiệt độ thấp. Nay đem loại cây này ra trồng ven biển thì không biết chúng sẽ sống như thế nào? Nếu không thành công thì sẽ lãng phí ngân sách của Nhà nước”. Nhiều người khác cũng cho rằng, trồng thông ở đường biển là không phù hợp, bởi cây thông thường sinh trưởng rất nhanh, độ cao trung bình trên 15m. Nếu trồng nó ở ngay biển thì sẽ không tạo được bóng mát và không chịu được gió, bão. Bà Nguyễn Thị Thu (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi chỉ thấy người ta trồng thông ở Đà Lạt và một số tỉnh Tây Nguyên, chưa có bờ biển nào của nước ta trồng thông bao giờ. Tôi được biết giống thông này có giá khá cao và khó trồng nên cần có tính toán cho phù hợp, tránh tình trạng trồng đại trà rồi sau đó lại phá bỏ như cây hoa sữa trước đây”.


Tham khảo các tài liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, chúng tôi được biết, thông Caribe là dòng thông nhiệt đới, chịu đựng được ở các vùng có nhiệt độ cao, thổ nhưỡng ít mùn. Thích hợp nơi có nhiệt độ trung bình 23 - 240C, lượng mưa  1.500 - 1.800mm. Độ cao tuyệt đối dưới 200 - 300m so với mực nước biển. Đất có thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, tầng dày trung bình, ít đá khá phù hợp với cây trồng này. Đến nay, trên cả nước đã có nhiều tỉnh trồng thành công giống thông Caribe như: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận... Tuy nhiên, TP. Nha Trang là địa phương đầu tiên trồng thí điểm cây thông ở ven biển.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Ân - Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Nha Trang cho biết, đây là dòng thông nhiệt đới, hoàn toàn phù hợp với khí hậu vùng biển, ít mưa như Nha Trang. Khi đem thông ra trồng ở bờ biển, công ty đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng về đặc tính của nó. Đây là loại cây có hình dáng rất đẹp nên khi trồng thành công ở Nha Trang nó sẽ tạo nên sự đa dạng sinh học và mỹ quan đô thị. Đặc điểm nổi trội của thông Caribe là tính chịu hạn và không bị chết cành bởi gió biển có hàm lượng nước muối cao. Trước đây, ở sát biển chỉ có thể trồng được cây dương, nhưng vào mùa gió lớn, phần cành của cây dương cũng bị hơi muối làm chết, khiến việc tạo hình rất khó khăn. Cây thông Caribe sẽ khắc phục được các nhược điểm này.


Ông Ân khẳng định, hiện nay mới chỉ cho trồng thử nghiệm; nếu hiệu quả và thành công mới nhân rộng và trồng đại trà. 30 cây thông mới trồng là do một đơn vị cùng làm cây xanh chuyển giao, do đó Nhà nước chưa phải bỏ kinh phí.


ĐÌNH LÂM