11:04, 01/04/2016

Phiền toái vì… tiếp thị

Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp, cá nhân liên tục chào hàng, quảng cáo dịch vụ dưới mọi hình thức, gây nhiều phiền toái cho người tiêu dùng (NTD).

Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp, cá nhân liên tục chào hàng, quảng cáo dịch vụ dưới mọi hình thức, gây nhiều phiền toái cho người tiêu dùng (NTD).


Vài tháng qua, bà Nguyễn Thị Nhung (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) liên tục nhận được các cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên của công ty bảo hiểm M. Điều khiến bà Nhung ngạc nhiên, là dù chưa từng gặp mặt nhưng người này biết rõ họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại cố định và nơi làm việc của bà. Người này hẹn đến nhà bà Nhung để gửi giấy mời tham dự hội thảo của công ty. Tuy đã tìm cách từ chối khéo, nhưng vài ngày sau, nhân viên vẫn tìm đến nhà bà. Sau đó, bà vẫn tiếp tục nhận được những điện thoại mời mọc...


Trường hợp của bà Trần Thị Hòa (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) lại khác. Bà Hòa có mua chiếc chổi đa năng của một công ty tại TP. Hồ Chí Minh qua một chương trình quảng cáo trên truyền hình cách đây 3 năm. Thế nhưng, bà vẫn thường xuyên nhận được cuộc điện thoại từ công ty mời mua hàng. Bà Hòa cho biết: “Sau lần mua chiếc chổi với giá gần 2 triệu đồng nhưng chất lượng kém, không đúng như quảng cáo, tôi đã “cạch” luôn công ty này. Lần nào nhân viên công ty gọi điện tới chào hàng, tôi cũng từ chối, nhưng họ vẫn kiên trì đeo bám khiến tôi rất bực mình”.


Còn ông Phạm Văn Dũng (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cũng thường xuyên phải nhận các cuộc điện thoại quảng cáo không mong muốn, từ việc tiếp thị gas, quảng cáo dịch vụ cho vay lãi suất thấp…


Theo bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, khoản 2, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ 2 lần trở lên, hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD. Nghị định số 185 ngày 15-11-2013 của Chính phủ cũng quy định, hình thức xử phạt đối với các hành vi này là phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Mặc dù vậy, khi bị các doanh nghiệp, cá nhân làm phiền, phần lớn NTD đều có tâm lý cho qua. Đối với các hành vi phát tán, chia sẻ thông tin cá nhân, tùy theo mức độ, hành vi thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Song việc phát hiện và xử lý các trường hợp này không đơn giản.


Để hạn chế phiền toái từ những chiêu thức tiếp thị không mong muốn, theo bà Trang, NTD cần lưu ý khi đi giao dịch, mua sắm hay tham gia các diễn đàn… không nên để lại số điện thoại nếu không thực sự cần thiết để tránh bị lấy cắp, trao đổi thông tin cá nhân. NTD cũng có thể liên hệ với các cơ quan chức năng để buộc các đối tượng có hành vi quấy nhiễu chấm dứt vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.


T. V