Đến hẹn lại lên, sau khi ăn Tết xong, học sinh các trường lại chuẩn bị vỏ lon bia, nước ngọt… để nộp kế hoạch nhỏ. Có trường không quy định số lượng, có thể nộp vỏ lon bia, nước ngọt, băng đĩa cũ…, nhưng có trường quy định tối thiểu phải nộp 20 hoặc 50 vỏ lon bia. ....
Đến hẹn lại lên, sau khi ăn Tết xong, học sinh các trường lại chuẩn bị vỏ lon bia, nước ngọt… để nộp kế hoạch nhỏ. Có trường không quy định số lượng, có thể nộp vỏ lon bia, nước ngọt, băng đĩa cũ…, nhưng có trường quy định tối thiểu phải nộp 20 hoặc 50 vỏ lon bia. Việc quy định số lượng cho học sinh không chỉ làm khó phụ huynh mà còn dẫn tới những câu chuyện… cười ra nước mắt!
Vừa gặp mặt sau Tết, chị bạn có con học lớp 2 ở một trường tiểu học trong thành phố liền kể: “Có ai như con tôi? Khách đến nhà chúc Tết, nó bảo bố và khách uống nhiều bia lên để có nhiều vỏ lon cho nó nộp kế hoạch nhỏ. Đã vậy, vỏ lon bia Tiger nó không chịu, đòi phải vỏ lon bia Heineken, chứ không thua các bạn trên lớp!”. Một chị khác kể: do chồng bị bệnh nên trong nhà không có bia. Đầu năm phải sang xin nhà hàng xóm để con nộp kế hoạch nhỏ! Con đang hí hửng mang đến lớp nộp 20 vỏ lon bia thì bị cô giáo lạnh lùng nói “chưa đủ 1kg”!!!
Còn nhớ, đầu năm học, khi phong trào Kế hoạch nhỏ triển khai đợt 1, phụ huynh nào có con đang học tiểu học hay THCS đều phải lo chuẩn bị báo cũ, giấy vụn cho con đi nộp. Có em nộp cả chồng giấy báo to, nặng hơn 10kg, được cô khen trước lớp nên sung sướng với chúng bạn. Thấy thế, nhiều em tự nhủ, mình phải đóng góp nhiều hơn bạn ấy. Để chiều lòng con, nhiều phụ huynh đã đi mua giấy vụn ở hàng đồng nát với giá cao hơn giá thị trường miễn sao con có thành tích. Thậm chí có lớp, ngoài phần nộp của mỗi học sinh, hội phụ huynh của lớp còn bỏ thêm tiền để mua báo cũ, lấy thành tích cho lớp. Mất hết cả ý nghĩa của phong trào!.
Phong trào Kế hoạch nhỏ của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (cũ) và TP. Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa thiếu niên tiền phong tại Hải Phòng. Phong trào được mở rộng trên toàn miền Bắc rồi cả nước sau ngày đất nước thống nhất. Các hoạt động chủ yếu của phong trào là: thu gom giấy, phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm... để có kinh phí xây dựng các công trình có liên quan đến Đội, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của Đội, trao học bổng cho học sinh nghèo. Sau hàng chục năm, phong trào này vẫn được duy trì và được coi là một trong những phong trào lớn của Đội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, phong trào cũng bộc lộ một số vấn đề nhất định.
Nhiều phụ huynh phản ánh: “Việc thực hiện kế hoạch nhỏ hiện nay ở các trường đang làm một cách hình thức, chứ không tốt đẹp như mục đích ban đầu. Nếu hình thức quá thì nên bỏ”. Trước đây, việc nộp kế hoạch nhỏ không quy định theo số lượng, dù vậy, các học sinh luôn rất có ý thức trong việc tiết kiệm, thu nhặt từ lon sữa bò, hũ chao, giấy vụn… để làm kế hoạch nhỏ. Vì thế, tuy số lượng không nhiều nhưng thực sự có ý nghĩa giáo dục. Còn bây giờ làm kế hoạch nhỏ giống như giao khoán, cô giáo khoán cho phụ huynh, các con giao khoán cho bố mẹ. Nhiều trẻ em chưa ý thức được hết ý nghĩa của phong trào, chỉ nghe giáo viên nói “phải nộp ít nhất bao nhiêu ký giấy hoặc bao nhiêu lon bia rồi về “đòi” bố mẹ; phần lớn cha mẹ phải làm “kế hoạch nhỏ” cho con với con đường “lòng vòng”.
Tuy nhiên, theo khảo sát, vẫn còn rất nhiều phụ huynh ủng hộ phong trào Kế hoạch nhỏ. Chỉ có điều, công tác tổ chức phong trào như thế nào cho ý nghĩa và hiệu quả, đó mới là vấn đề quan trọng.
LÊ NGUYÊN