06:07, 15/07/2015

Trẻ em và mối nguy hiểm từ sông nước

Vào mùa hè, trẻ em vùng cao thường tìm đến sông, suối để vui chơi và tắm mát. Việc không có người lớn đi kèm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước...

Vào mùa hè, trẻ em vùng cao thường tìm đến sông, suối để vui chơi và tắm mát. Việc không có người lớn đi kèm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước...


Ở các xã vùng cao của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), dường như đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những em nhỏ đùa nghịch dưới sông, suối. Em Hà Linh (xã Cầu Bà) cho biết: “Mùa hè được tắm suối là thích nhất. Ngày nào bọn em cũng tụ tập kéo nhau ra suối tắm và bắt cá về chơi”. Quan sát các em nhỏ đùa nghịch, chúng tôi thấy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Các em thường đứng trên những mô đất cao 3-4m nhảy xuống dòng nước. Có em còn nhào lộn trên không trước khi tiếp nước nên nguy cơ bị chấn thương rất cao; nếu trượt chân hoặc tiếp nước sai tư thế là có thể gặp tai nạn.

 

Trẻ em ở xã Sông Cầu tắm sông với những trò nghịch nguy hiểm.
Trẻ em ở xã Sông Cầu tắm sông với những trò nghịch nguy hiểm


Điều đáng nói, đa phần các em đều không biết bơi. Bản thân các em cũng như gia đình luôn chủ quan vì sông, suối ở miền cao thường cạn, nhất là vào mùa hè. Khi được hỏi tại sao con nhỏ mà cho ra sông tắm một mình, bà Cà Blang (thôn Giang Biên, xã Sơn Thái) vô tư trả lời: “Có sao đâu, nước sông mùa này cạn. Bọn nhỏ ở trên này kéo nhau đi tắm đông lắm. Ở nhà không có nước, ra sông tắm cho mát”. Chính thái độ chủ quan của người lớn và sự vô tư của các em nhỏ là nguyên nhân của những vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Sông, suối ở miền cao thường không sâu nhưng nước luôn chảy xiết và thường xuyên có những vũng xoáy.


Còn nhớ mùa hè năm trước, 2 em nhỏ ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa ra con kênh gần nhà tắm thì bị tử nạn. Con kênh này rất cạn, các em vẫn ra tắm thường xuyên nên không mấy ai để ý. Song chỉ vì có một đoạn kênh nhỏ mới được người ta đào sâu thêm nên tai nạn không may đã xảy ra. Theo thống kê, trong những năm gần đây, mùa hè năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra các vụ tai nạn đuối nước. Nạn nhân của những vụ việc thương tâm đều là các em nhỏ có độ tuổi từ 15 trở xuống. Không chỉ ở trong tỉnh, trên toàn quốc cũng đã xảy ra nhiều vụ trẻ em tử vong do đuối nước, đây là hồi chuông cảnh tỉnh những bậc cha mẹ cần phải quản lý con em chặt chẽ hơn trong những ngày hè, đặc biệt là những nơi gần sông, suối, ao, hồ...


Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch xã Sơn Thái cho biết: “Vào mùa hè, nơi vui chơi duy nhất của trẻ em vùng cao chính là sông, suối. Hàng năm, chính quyền địa phương luôn sát sao trong việc tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về tai nạn đuối nước trong dịp hè. Tuy nhiên, với mặt bằng dân trí còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người dân cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề này”.


Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Bangladesh, Thái Lan và Campuchia, cứ 4 trẻ từ 1-4 tuổi tử vong thì có một trẻ chết do đuối nước. Tại Việt Nam, 50% số ca trẻ dưới 5 tuổi tử vong do đuối nước. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển và chỉ đứng sau những ca thiệt mạng do tai nạn giao thông. Để bảo vệ con em mình, các gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ bảo, quản lý các em, để các em có một mùa hè vui chơi bổ ích, an toàn.


HẠ LINH