06:07, 07/07/2015

Cẩn thận khi vay không tín chấp

Gần đây, tại các ngã ba, ngã tư ở TP. Nha Trang thường xuất hiện những người phát tờ rơi quảng cáo cho vay vốn. Các địa điểm công cộng cũng bị dán đầy những tờ bướm quảng cáo về việc cho vay mà không cần thủ tục phức tạp.

Gần đây, tại các ngã ba, ngã tư ở TP. Nha Trang thường xuất hiện những người phát tờ rơi quảng cáo cho vay vốn. Các địa điểm công cộng cũng bị dán đầy những tờ bướm quảng cáo về việc cho vay mà không cần thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời chào ấy ẩn chứa những cạm bẫy lãi suất “khủng” mà không phải ai cũng biết…


Chị Hoàng Thị Th. hiện đang làm nhân viên văn phòng với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng. Chị muốn mở một cửa hàng bán quần áo và cần khoảng 120 triệu đồng để nhập hàng. Tuy biết mình có thể vay tín chấp ở các ngân hàng (NH) nhưng chị không vay. “Đi lại, liên hệ rồi phải điền thông tin, xin bảng kê lương, xác nhận của giám đốc... rắc rối quá, mà tôi thì chẳng có nhiều thời gian nên vay bên ngoài cho nhanh”, chị Th. nói.


Chẳng là một lần qua ngã tư, có một thanh niên phát cho chị một tờ giấy nhỏ, trên đó có thông tin bên cho vay có thể hỗ trợ nhu cầu tài chính cho những người có đủ điều kiện như: là nhân viên công ty, công chức nhà nước, chỉ cần có bảo hiểm nhân thọ và thẻ Visa là có thể vay tối đa đến 300 triệu đồng mà không cần thêm điều kiện gì. Liên hệ số điện thoại trong mẩu giấy, chị được hướng dẫn phô tô những giấy tờ cần thiết, sau đó sẽ có người đến giúp chị trọn gói và giải ngân ngay. Về lãi suất, chị Th. chỉ vay 12 tháng nên họ thông báo mỗi tháng chị phải trả 10 triệu đồng tiền gốc và 142.000 đồng tiền lãi. Thấy số tiền lãi ít, chị đồng ý ngay.


Trần Mạnh Kh. hiện đang là sinh viên năm 2 Trường Đại học Nha Trang. Kh. muốn mua máy vi tính để phục vụ việc học tập nhưng cha mẹ chỉ hỗ trợ được khoảng 5 triệu đồng. Vì thế, Kh. chọn cách mua trả góp của cửa hàng. Với chiếc laptop Sony Vaio đời cũ có giá 9,5 triệu đồng, Kh. được thông báo là phải trả trước 3,8 triệu đồng, số còn lại sẽ được trả đều trong 12 tháng, mỗi tháng là 665.000 đồng. Thấy số tiền phải trả hàng tháng cũng không nhiều, thủ tục lại đơn giản nên Kh. đồng ý mua.


Còn anh Nguyễn Văn C. lại cần vay 20 triệu đồng để gửi về quê cho bố chữa bệnh. Thấy một tờ bướm dán trên tường gần nhà ghi thông tin chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu photo công chứng, hợp đồng lao động và bảng lương là có thể vay được 20 triệu đồng, với lãi suất chỉ khoảng 2%/tháng, anh C. quyết định vay. Tuy nhiên, khi trả nợ được vài tháng, anh C. nhận ra khoản nợ đã giảm xuống, nhưng lãi suất vẫn tính theo số tiền vay gốc là 20 triệu đồng.


Thực tế, những hình thức tín dụng kiểu này là cho vay với lãi suất rất cao, người vay phải trả nợ với lãi suất cao hơn quy định của NH Nhà nước rất nhiều. Như chị Th., có thể tính mức lãi suất của chị đang vay là 15,24%/năm, còn anh C. là 24%/năm. Mặt khác, lãi suất đó còn được tính trên tiền vay gốc nên dù tiền gốc đã trả nhưng tiền lãi vẫn không giảm. Cũng với cách đó, những cửa hàng cho vay trả góp còn tính lãi suất “khủng” hơn. Như trường hợp anh Kh., mức lãi suất lên đến 40%/năm và cũng tính trên lãi suất gốc suốt cả năm không giảm, trong khi tiền gốc đã trả dần.


Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên NH cho biết, với hình thức cho vay không tín chấp, tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với bên cho vay. Đối với bên cho vay, vì sao họ chỉ ràng buộc người vay bằng một vài điều kiện đơn giản như: có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, có bảo hiểm, hóa đơn điện nước, có thẻ Visa hoặc Master, có hợp đồng lao động, có bảng lương... Thực ra, những điều kiện này không thể giúp ích bên cho vay nếu khách hàng mất khả năng thanh toán, bởi đây chỉ là thông tin chứng minh rằng khách hàng là người có khả năng trả được nợ mà thôi. Khi bên vay mất khả năng thanh toán, bên cho vay cũng rất khó lấy lại tiền nếu tiến hành theo các thủ tục tố tụng bình thường. Tuy nhiên, nếu khách hàng trả nợ đúng hạn thì bên cho vay sẽ thu được lợi nhuận kếch xù; còn nếu trả khoảng 2/3 thời gian vay thì cũng đã thu hồi vốn. Chính vì lợi nhuận hấp dẫn nên việc cho vay theo hình thức này đang phát triển mạnh.


Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, tổ chức, cá nhân muốn cho vay phải có chức năng kinh doanh tiền tệ và phải đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước về lãi suất. Họ phải có giấy phép của cơ quan chức năng vì kinh doanh tiền tệ là ngành kinh doanh có điều kiện. “Đây là một hình thức lách luật, NH Nhà nước không thể kiểm tra hoạt động của họ bởi hoạt động này không nằm trong hệ thống của NH. Đây là một kiểu kinh doanh bất hợp pháp”, ông Tường khẳng định.


Quang Vũ