Thời gian gần đây, việc giáo dục chủ quyền biển đảo được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Thời gian gần đây, việc giáo dục (GD) chủ quyền biển đảo được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Tại hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo - nguồn lực phát triển bền vững và GD chủ quyền biển đảo trong trường học” vừa được tổ chức tại Nha Trang, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trong trường học, hình thức giảng dạy về văn hóa biển đảo cần phải đa dạng hơn, và cần phải thay đổi toàn bộ phương pháp dạy”.
Chương trình ngoại khóa về biển đảo tại Trường Tiểu học Vạn Thạnh (Nha Trang). Ảnh: THU HIỀN |
Được biết, từ năm 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn ngoại khóa về chủ quyền biển đảo cho 120 giáo viên, cán bộ chủ chốt của các phòng GD, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Cũng trong thời gian này, kiến thức về lịch sử, địa lý Trường Sa đã được lồng ghép vào 2 môn học cùng tên trong giờ giảng nội khóa về lịch sử, địa lý địa phương... Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Sử học Khánh Hòa đánh giá: “Việc GD chủ quyền biển đảo hiện nay vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Trong nhiều môn học liên quan đến kiến thức chủ quyền biển đảo ở nhà trường phổ thông thì lịch sử là môn có ưu thế hơn cả. Tiếc rằng, trong sách giáo khoa lịch sử hiện nay, nội dung GD chủ quyền biển đảo còn khá tản mạn. Tài liệu tham khảo về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa rất phong phú nhưng do chưa có sự thống nhất nội dung, hình thức, phương pháp dạy nên giáo viên và học sinh còn gặp nhiều khó khăn”.
Để làm tốt công tác GD chủ quyền biển đảo, Thạc sĩ Nguyễn Hạ Ni (Học viện Hải quân) đề xuất một cách tiếp cận mới thông qua việc dạy học theo dự án. Thạc sĩ Ni nhận định: “Chúng ta cần thay đổi tư duy dạy lịch sử không phải là “thông sử” mà phải kết hợp các hình thức học khác như học theo chuyên đề, theo dự án”. Thầy giáo Đặng Hoàng Sang (Trường THCS và THPT Trường Xuân, TP. Cần Thơ) thì cho rằng, bên cạnh sách giáo khoa, nhà trường cần phải trang bị các tư liệu chính sử để đảm bảo tính khoa học, chính xác, giúp học sinh khắc phục việc “hiện đại hóa” lịch sử hoặc “hư cấu” sai sự thực lịch sử.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm góp ý: Trong tương lai, để Khánh Hòa trở thành một “thủ đô” biển trong khu vực Đông Nam Á, ngoài những công trình đang có như Viện Hải dương học Nha Trang, Học viện Hải quân... tỉnh Khánh Hòa nên đầu tư xây dựng một công trình có giá trị như Bảo tàng văn hóa biển đảo hoặc Viện nghiên cứu văn hóa biển đảo. “Trong khi chờ đợi bộ sách giáo khoa lịch sử mới, hội sử học ở các tỉnh ven biển miền Trung nên tự biên soạn phần lịch sử bổ sung, đặc biệt là lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đồng thời lồng ghép nội dung biển đảo vào các chương trình tuyên truyền, các trò chơi văn nghệ, sách báo... để học sinh yêu thích và có hiểu biết sâu rộng”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm kiến nghị.
Nguyễn Thị Huyền