Theo Nghị quyết 02 ngày 29-7-2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, những "quyết định giải quyết khiếu nại" sau khi có khiếu nại hoặc kết quả giải quyết mà không có nội dung sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ Quyết định hành chính bị khiếu nại thì không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Theo Nghị quyết 02 ngày 29-7-2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, những “quyết định (QĐ) giải quyết khiếu nại” sau khi có khiếu nại hoặc kết quả giải quyết mà không có nội dung sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ QĐ hành chính bị khiếu nại thì không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Phần đất tranh chấp của gia đình bà Loan |
Từ thực tiễn giải quyết án hành chính
Ngày 29-7-2013, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đã ra QĐ 10000 giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Bến Đá, Phước Trung (xã Phước Đồng) giữa bà Hồ Thị Từ Loan với bà Phạm Thị Hắc. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Nha Trang bác đơn của bà Loan tranh chấp diện tích đất hơn 2.047m2 tại Phước Đồng. QĐ trên có giải thích: Nếu không đồng ý, các bên có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND TP. Nha Trang theo luật định.
Sau đó, bà Loan đã khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 11-12-2013, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành QĐ số 3177 bác đơn tranh chấp quyền sử dụng đất của bà Loan, công nhận QĐ số 10000. Đồng thời nêu rõ nếu không đồng ý, bà Loan có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Cho rằng cả hai QĐ hành chính đều trái pháp luật, ngày 6-1-2014, bà Loan đã khởi kiện ra TAND tỉnh yêu cầu tuyên hủy cả hai QĐ này.
Cả 2 quyết định đều thuộc đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính
Đơn khởi kiện của bà Loan đã làm phát sinh vấn đề pháp lý gây tranh cãi. Theo quy định, bà Loan có quyền kiện cả hai QĐ hay chỉ được kiện QĐ số 10000?
Quan điểm thứ nhất, cũng chính là quan điểm giải quyết của TAND tỉnh cho rằng, bà Loan chỉ được quyền khởi kiện QĐ số 10000. Do đó, TAND tỉnh đã chuyển đơn khởi kiện của bà Loan đến TAND TP. Nha Trang để giải quyết theo thẩm quyền. Đa số các thẩm phán đồng tình quan điểm này, bởi lẽ QĐ số 3177 của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ là QĐ giải quyết khiếu nại đối với QĐ số 10000. QĐ số 3177 không có nội dung mới nào thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ QĐ số 10000 nên QĐ số 3177 không phải là đối tượng khởi kiện hành chính.
Như vậy, khi xét xử, nếu có căn cứ chứng minh QĐ số 10000 trái pháp luật, Tòa được quyền tuyên hủy mà không cần phải xem xét tính hợp pháp của QĐ số 3177. Thực tế, TAND TP. Nha Trang chỉ thụ lý giải quyết đối với QĐ số 10000.
Quan điểm thứ 2 cho rằng, nếu Tòa chỉ thụ lý, xem xét QĐ số 10000 thì vô hình trung QĐ số 3177 không bị khiếu kiện và đương nhiên có hiệu lực pháp luật. Cho nên giả sử Tòa hủy QĐ số 10000, thì thực tế sau đó sẽ cùng tồn tại song song một bản án của Tòa và một QĐ hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh có nội dung trái ngược nhau, nhưng cùng có hiệu lực pháp luật (phán quyết của Tòa án tuyên hủy QĐ hành chính lần đầu bị kiện, còn QĐ của Chủ tịch UBND tỉnh giữ nguyên QĐ hành chính lần đầu bị kiện).
Tôi đồng tình với quan điểm này và cho rằng: Để vụ án được giải quyết toàn diện, triệt để thì bà Loan phải được quyền khởi kiện cả hai QĐ và Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết là TAND tỉnh. Cả hai QĐ đều là các QĐ hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, thuộc đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là Tòa án các cấp, mà trực tiếp là các thẩm phán đều phải chấp hành Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Thực tiễn giải quyết, xét xử án hành chính cho thấy Nghị quyết này đã gây khó cho người dân và cả Tòa án trong việc xác định đối tượng kiện vụ án hành chính, hạn chế quyền khởi kiện của công dân được quy định trong Hiến pháp và Luật Tố tụng hành chính.
Được biết, hiện nay TAND Tối cao đang tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính 2010 và đã có dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà