07:11, 18/11/2014

Nỗ lực phòng, chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu làm diện tích rừng ngập mặn, lượng nước ngầm suy giảm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến môi trường, môi sinh và phát triển kinh tế - xã hội…

Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm diện tích rừng ngập mặn, lượng nước ngầm suy giảm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến môi trường, môi sinh và phát triển kinh tế - xã hội… Chính vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã và đang có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

 

Trồng rừng ngập mặn ở  Khánh Hòa bảo vệ môi trường biển.
Trồng rừng ngập mặn ở Khánh Hòa bảo vệ môi trường biển


Từ đầu năm đến nay, khu vực miền Trung đã xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài; lượng mưa, dòng chảy các sông suối hầu hết đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, không xuất hiện lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5... Hiện nay, hiện tượng El Nino có nguy cơ tiếp tục diễn ra, với khả năng tác động xấu đến việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2014 - 2015 trên địa bàn Khánh Hòa.  


Theo Liên đoàn Quy hoạch - Điều tra tài nguyên nước miền Trung, dự báo cuối thế kỷ XXI nhiệt độ ở Việt Nam sẽ tăng thêm từ 1,6 đến 3,7 độ. Điều này khiến lượng mưa, lượng bốc hơi biến đổi mạnh. Hiện nay, căn cứ vào số liệu quan trắc thực tế đang được Liên đoàn này điều tra ở 7 tỉnh, thành phố Nam Trung bộ, trong đó có Khánh Hòa, có thể tính toán kết quả trữ lượng nước ngầm đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 20%, tương đương 856.000m3 (đã trừ phần nước bổ sung từ mưa). Trong khi đó, lượng nước cần sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội tăng lên 30%, tương đương 1.254.000m3.


   Để phòng, chống BĐKH, từ giữa năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch này là đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng ảnh hưởng đến tài nguyên nước, hạ tầng cơ sở, đa dạng sinh học vùng biển ven bờ. Đồng thời đưa ra các nhiệm vụ cần thực hiện để đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương. Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguồn vốn triển khai là điều nan giải nhất. Tỉnh đã xây dựng và gửi thuyết minh đề xuất Trung ương hỗ trợ 8 dự án nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH như: kè hạ lưu cầu Bình Tân, kè bảo vệ thị trấn Tô Hạp, kè ở TP. Nha Trang, thị trấn Vạn Giã... Tổng kinh phí các dự án cần khoảng 1.700 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đầu tư. Trước mắt, tỉnh đã dành 2,9 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện công trình nghiên cứu “Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với cơ sở hạ tầng các lĩnh vực và địa phương ven biển”; dành 1 tỷ đồng triển khai nghiên cứu “Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến lĩnh vực tài nguyên nước và đề xuất kế hoạch ứng phó” và 1,1 tỷ đồng để nghiên cứu các giải pháp ứng phó với BĐKH nói chung.


Theo các chuyên gia quốc tế, để bảo vệ môi trường và nguồn năng lượng, Việt Nam cần tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời, sinh học. Về điều này, Khánh Hòa là một trong những tỉnh đi đầu về sử dụng năng lượng sạch. Thể hiện rõ nhất ở huyện đảo Trường Sa, từ cuối năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hỗ trợ thực hiện dự án “Tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK”. Đến nay, dự án đã triển khai lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời...


Bà Dorothea Konstantinidis, chuyên gia về BĐKH của Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, ngoài vai trò của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách ứng phó với BĐKH, xã hội dân sự đóng góp rất lớn trong việc hình thành các mô hình thực thi đạt hiệu quả cao. Nhận thức được điều này, hàng năm, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức trồng rừng ngập mặn ở các khu vực ven biển; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thả hàng triệu con giống thủy sản ở các đầm Nha Phu (Ninh Hòa), Thủy Triều (Cam Lâm), vịnh Nha Trang... Trong quy hoạch khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa có diện tích khoảng 700ha, có đến 400ha là rừng ngập mặn, hồ nước điều hòa...


Những điều trên là những nỗ lực đáng ghi nhận của tỉnh trong việc phòng, chống BĐKH, bảo đảm môi sinh, môi trường.


ĐOÀN HƯƠNG GIANG