Các chợ xã, phường trong tỉnh Khánh Hòa đang dần chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Đây là hướng đi đúng, góp phần giảm gánh nặng và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Các chợ xã, phường trong tỉnh Khánh Hòa đang dần chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Đây là hướng đi đúng, góp phần giảm gánh nặng và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Một số hạng mục chợ Vĩnh Ngọc đang được đầu tư xây dựng lại. |
Hiệu quả bước đầu
Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có 3 chợ đã được chuyển đổi mô hình quản lý. Đó là chợ Vĩnh Thọ (phường Vĩnh Thọ), chợ Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương) và chợ Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Ngọc).
Ông Nguyễn Văn Tính - người trúng thầu quản lý chợ Vĩnh Thọ cho biết, gia đình ông được khai thác chợ Vĩnh Thọ từ năm 2013 đến năm 2018. Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông nộp cho Nhà nước 220 triệu đồng. Ngoài giải quyết việc làm cho 5 người trong gia đình, hàng năm, ông thu về một khoản lợi nhuận kha khá. “Do mình phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đóng cho Nhà nước nên việc quản lý chợ cũng phải cố gắng làm thật tốt, từ công tác vệ sinh môi trường, đến giữ xe, phòng cháy chữa cháy. Chỉ có làm tốt thì tiểu thương mới an tâm vào chợ kinh doanh. Từ đó, sẽ có nguồn thu để nộp cho Nhà nước. Nếu quản lý không tốt, tiểu thương bỏ chợ thì sẽ lỗ nặng” - ông Tính nói.
Còn ông Nguyễn Văn Từng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khởi Tiến Phát cho biết, doanh nghiệp (DN) của ông trúng thầu quản lý, khai thác chợ Vĩnh Ngọc từ năm 2011, đóng cho Nhà nước 274 triệu đồng/năm. Sau đó, ông tiếp tục trúng thầu quản lý chợ Vĩnh Lương vào năm 2012 với giá thầu 220 triệu đồng/năm. Nhờ quản lý tốt hoạt động của chợ nên 2 năm qua, Công ty đã khai thác 2 chợ khá hiệu quả. Ông Từng chia sẻ: “Chúng tôi bỏ tiền ra phải quản lý hiệu quả để khỏi thất thu. Khi nhận được phản ánh gì của tiểu thương, chúng tôi đều có mặt giải quyết ngay”. Chị Nguyễn Thị Thu Hương - tiểu thương chợ Vĩnh Ngọc nhận xét: “Tôi thấy cách quản lý chợ của DN tốt hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn so với khi Nhà nước quản lý trước đây”.
Tiếp tục xã hội hóa quản lý chợ
Theo Sở Công Thương, đến nay, toàn tỉnh có 12 chợ xã, phường được chuyển đổi mô hình quản lý từ các Ban quản lý thuộc chính quyền địa phương sang mô hình tư nhân quản lý. Trong đó, TP. Nha Trang là một trong những địa phương làm tốt công tác này với 3 chợ đã được chuyển đổi; ngoài ra, chợ Vĩnh Hải cũng đang trong giai đoạn đấu thầu.
Trước đây, một số ban quản lý chợ ở các địa phương tổ chức bộ máy cồng kềnh, chưa tinh gọn, hoạt động kém hiệu quả. Vấn đề liên doanh, liên kết và huy động vốn đầu tư xây dựng chợ phải tuân thủ các quy định cứng nhắc, chưa linh hoạt. Công tác thu phí, lệ phí tại các chợ trước khi thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chỉ bù đắp được một phần số chi ngân sách phải bỏ ra để trang trải chi phí quản lý chợ, chi phí đầu tư sửa chữa nhỏ. Sau khi chuyển đổi mô hình, các đơn vị tư nhân tham gia quản lý chợ đã nộp ngân sách Nhà nước tăng hơn so với trước. Tại TP. Nha Trang, 3 chợ được chuyển đổi mô hình đã nộp ngân sách gần 800 triệu đồng/năm.
Ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương nói: “Khi tư nhân được giao quản lý chợ, hàng năm, họ đều phải nộp ngân sách nên nâng cao trách nhiệm thu hút người mua, người bán để chợ hoạt động hiệu quả, từ đó họ mới có lãi”. Kết quả bước đầu cho thấy, hoạt động của các chợ đi vào nề nếp. Tình hình hoạt động của tiểu thương trong chợ nhìn chung ổn định. Việc bố trí, quy hoạch, sắp xếp lại ngành hàng; bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các hạng mục trong chợ; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… đã có những cải tiến đáng kể so với trước. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và từng bước thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động của chợ.
Các DN quản lý chợ cho rằng, hiện nay, mức thu phí tại chợ do Nhà nước quy định chỉ ở mức trung bình thấp nên chưa tạo sức hút cho việc đầu tư cũng như chuyển đổi mô hình quản lý. Hiện nay, các chợ được đấu thầu tại TP. Nha Trang đều nằm trong khu vực dân cư đông đúc, có diện tích nhỏ hẹp nên xảy ra tình trạng quá tải mặt bằng kinh doanh. Nhiều người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xung quanh chợ làm nơi buôn bán đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, thu phí, quy hoạch lại ngành hàng, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, để khai thác, kinh doanh chợ đạt hiệu quả cao, đơn vị quản lý chợ phải đầu tư vốn nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, công tác phòng cháy chữa cháy… mới thu hút được người mua và người bán. Với mức thu phí như hiện nay thì một thời gian dài mới có thể thu hồi được vốn… Theo Phòng Kinh tế TP. Nha Trang, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang có 23 chợ các hạng. Trong đó, một số chợ chưa chuyển đổi được mô hình quản lý vì vướng quy hoạch hoặc chưa được đầu tư xây dựng nên không đủ khả năng thu hút các DN tham gia đấu thầu.
Để thu hút nguồn lực tư nhân vào hoạt động quản lý chợ, tỉnh cần có cơ chế, chính sách phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý địa bàn.
Lưu Khánh