Thời gian gần đây, giá xăng dầu, gas liên tiếp được điều chỉnh giảm, thế nhưng giá nhiều mặt hàng và dịch vụ vẫn đứng yên.
Thời gian gần đây, giá xăng dầu, gas liên tiếp được điều chỉnh giảm, thế nhưng giá nhiều mặt hàng và dịch vụ vẫn đứng yên.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 9 lần, giá gas cũng giảm 6 lần với mức giá được giới kinh doanh cho là “dễ chịu” nhất đối với người tiêu dùng từ nhiều năm qua. Mới đây, các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam lại tiếp tục công bố giá gas tháng 11 sẽ giảm 3.333 đồng/kg, tương đương 40.000 đồng/bình 12kg so với tháng trước. Người tiêu dùng hy vọng việc giảm giá xăng dầu, giá gas sẽ tác động đến các mặt hàng thiết yếu. Nhưng trên thực tế, giá các mặt hàng vẫn đứng yên.
Một số siêu thị giảm giá các mặt hàng nông sản. |
Bà Lê Thu Hà (phường Phước Long) chia sẻ: “Mấy đợt tăng giá xăng trước, cơm tấm từ 20.000 đồng tăng dần lên 28.000 đồng/đĩa. Hiện nay, giá xăng, giá gas giảm liên tiếp mà giá hàng ăn uống không hề giảm”. Hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Nha Trang đều cho rằng giá thuê mặt bằng, thuê người làm, nguyên liệu tăng nên không thể giảm giá. Một chủ hàng ăn trên đường Hồng Lĩnh nói: “Giá xăng giảm liên tiếp nhưng nhỏ lẻ, mỗi lần có mấy trăm đồng, có khi chỉ giảm 30 đồng thì chúng tôi biết giảm thế nào? Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào không giảm nên khó giảm giá bán”.
Tại chợ Đầm, chợ Xóm Mới, qua khảo sát giá một số mặt hàng thiết yếu, hầu như không có sản phẩm nào giảm giá. Hiện, giá thịt bò vẫn ở mức 250.000 đồng/kg, thịt heo 85.000 đến 120.000 đồng/kg tùy loại, cà chua 10.000 đồng/kg, rau củ từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg; gạo dao động từ 110.000 đến 150.000 đồng/bao 10kg... “Tôi chủ yếu nhập hàng qua các đại lý. Lần nào giá xăng dầu tăng, các đại lý đều thông báo tăng giá vài %, có khi lên hơn 10% tùy theo nhóm hàng với lý do giá cước vận chuyển tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm thì không có đại lý nào thông báo giảm giá. Vì vậy, chúng tôi cũng không thể giảm giá”, bà Nguyễn Kế Mỹ Tuyết, hộ kinh doanh tạp hóa tại chợ Đầm cho biết.
Tuy nhiên, tại một số siêu thị, bên cạnh nhiều mặt hàng giữ nguyên giá của nhà cung cấp, một số mặt hàng đã giảm giá do vào mùa vụ hoặc người mua được ưu đãi theo trị giá hóa đơn mua hàng. Theo đại diện Siêu thị Co.opmart Nha Trang, siêu thị đã giảm giá một số mặt hàng thiết yếu như cà rốt, bắp cải, bí đỏ, tôm thẻ, cá basa, trứng gà, thịt heo... từ 1.000 đến 5.000 đồng tùy sản phẩm, hoặc giảm giá trung bình 10% so với những tháng trước. Bên cạnh đó, các mặt hàng có dán nhãn riêng Co.opmart như nước rửa chén, trà bí đao, bột giặt... đều có giá rẻ hơn từ 5 - 30% so với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Ông Nguyễn Quốc Cường, Tổ trưởng Marketing Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết: “Việc điều chỉnh giá của siêu thị và các doanh nghiệp cung cấp trong thời điểm này được cho là thiết thực, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu mua sắm dịp cuối năm và phù hợp với việc giá xăng, gas cùng giảm”. Trao đổi về giá các mặt hàng tại Trung tâm Thương mại Maximark, bà Đoàn Thị Thọ, Giám đốc Trung tâm cho rằng, từ trước đến nay đơn vị luôn có nhiều mặt hàng thực phẩm và gia dụng có giá bán tốt, rẻ hơn ngoài thị trường từ 10 đến 20% nhằm khuyến khích người mua.
Xăng dầu được xem là một trong những mặt hàng chủ lực song hành cùng đời sống hàng ngày của người dân. Việc điều chỉnh giá xăng dầu luôn ảnh hưởng đến giá các mặt hàng và dịch vụ. Thế nhưng, cứ sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, người tiêu dùng lại chật vật khi các mặt hàng, dịch vụ khác đồng loạt “ăn theo”; còn khi xăng dầu giảm giá thì giá các mặt hàng, dịch vụ vẫn đứng yên. Theo bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy giá xăng dầu đã giảm song nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức giá cũ làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá các mặt hàng ăn uống trên thị trường chủ yếu do người bán quyết định. Vì thế, rất mong các ngành chức năng nghiên cứu biện pháp để người tiêu dùng có thể hưởng lợi từ chính sách điều tiết thị trường của Nhà nước.
Hương Quỳnh