12:06, 26/06/2014

Vi phạm nội quy phiên tòa: Sẽ bị xử lý

Mới đây, ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ký Thông tư số 01 ban hành nội quy phiên tòa. Nội quy này được áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Tòa án tiến hành.

Mới đây, ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ký Thông tư số 01 ban hành nội quy phiên tòa. Nội quy này được áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Tòa án tiến hành.


Phiên tòa là nơi Tòa án tiến hành việc xét xử, nhân danh Nhà nước đưa ra các phán quyết đối với các hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc bảo đảm trật tự, kỷ cương và sự tôn nghiêm tại phiên tòa là một trong những yêu cầu quan trọng để việc xét xử được tiến hành dân chủ, nghiêm minh, đúng trình tự luật định; bảo đảm uy tín và sự tôn trọng của mọi người đối với Tòa án.


Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, một trong những thủ tục bắt buộc tại phiên tòa là trước khi khai mạc, thư ký phiên tòa phải phổ biến nội quy phiên tòa. Người vi phạm nội quy phiên tòa có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về nội quy phiên tòa nên các yêu cầu đặt ra đối với những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người khác tham dự phiên tòa tại các Tòa án còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa, chưa bảo đảm để các phiên tòa được tiến hành trật tự, nghiêm minh.  


Thông tư số 01 được ban hành nhằm thực hiện thống nhất về nội quy phiên tòa, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa. Thông tư này được áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Tòa án tiến hành. Theo đó, nội quy phiên tòa phải được niêm yết công khai tại phòng xử án. Trước khi bắt đầu phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải ổn định trật tự và phổ biến các quy định tại các điều 3, 4 và 5 của Nội quy phiên tòa. 

 
Theo Điều 3 về nội quy phòng xử án, có khá nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo đảm trật tự của một phiên tòa trên cơ sở tôn trọng Hội đồng xét xử, bảo đảm mọi thủ tục về mặt tố tụng. Mặt khác, điều này cũng quy định các vấn đề nhằm đảm bảo phiên tòa diễn ra một cách nghiêm túc, tôn trọng pháp luật. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.


Lâu nay, việc phóng viên báo chí đưa tin tại các phiên tòa chưa được quy định chặt chẽ, chưa thống nhất. Có nhiều phiên tòa, phóng viên, thậm chí có những người không phải là phóng viên của bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng có thể vào phiên tòa để tác nghiệp. Điều này phần nào ảnh hưởng đến không khí nghiêm túc của phiên tòa. Nhưng cũng có nơi, Hội đồng xét xử hạn chế hoạt động của phóng viên báo chí. Chính vì thế, Điều 4 của Thông tư đã quy định thống nhất về vấn đề tác nghiệp của cơ quan báo chí. Theo đó, nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án.


Trong trường hợp có người gây rối trật tự phiên tòa, lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa sẽ thi hành quyết định của Chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ  theo quy định của pháp luật.

Tường Linh