10:05, 25/05/2014

Vụ tranh chấp thừa kế nhà 124 Mê Linh, Nha Trang: Đình chỉ có đúng luật?

Không biết địa chỉ của một hay một số người thừa kế, không thể khởi kiện xin chia thừa kế - đây là lý do khiến vụ án nêu dưới đây bị Tòa đình chỉ, dẫn đến kháng cáo.

Không biết địa chỉ của một hay một số người thừa kế, không thể khởi kiện xin chia thừa kế - đây là lý do khiến vụ án nêu dưới đây bị Tòa đình chỉ, dẫn đến kháng cáo.


Vụ kiện thừa kế theo di chúc


Nhà đất số 124 đường Mê Linh, TP. Nha Trang nguyên thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Gái. Bà Gái có 5 người con (trong đó 4 người con định cư ở nước ngoài). Tháng 5-1997, bà Gái đã lập di chúc có hai người làm chứng, được Phòng Công chứng số 1 tỉnh chứng nhận. Theo di chúc, bà Gái chuyển giao quyền thừa kế nhà đất này cho 3 người con là các ông: Đặng Quang Vinh, Đặng Quang Phú và bà Đặng Thị Mộng Hải.


Ngày 24-1-2002, bà Gái mất. Các con của bà Gái chưa bao giờ lập văn bản thỏa thuận về việc phân chia tài sản thừa kế cho bất cứ ai được sở hữu nhà đất này. Thực tế, bà Hải chỉ là quản lý tài sản được thừa kế chung, không có quyền định đoạt nhà đất này.


Tháng 8-2011, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Khánh Hòa có quyết định cưỡng chế kê biên xử lý nhà đất nói trên để thi hành quyết định của Tòa án tỉnh về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (vụ kiện: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt  Nam, bị đơn là bà Nguyễn Thị Bích Thủy; người có quyền và nghĩa vụ liên quan: Bà Đặng Thị Mộng Hải (là người bảo lãnh cho bà Thủy vay tiền). Theo quyết định này, bà Thủy còn nợ Ngân hàng gần 2 tỷ đồng (bao gồm gốc và lãi), nếu bà Thủy vi phạm thời hạn trả, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan THADS kê biên, bán tài sản thế chấp là nhà 124 Mê Linh đứng tên bà Hải.


Phát hiện bị cưỡng chế không đúng di chúc hợp pháp, ông Đặng Quang Phú (định cư ở Mỹ) đã khởi kiện bà Hải để đòi quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Ngày 14-10-2011, Tòa án tỉnh đã thụ lý vụ kiện, nên Cục THADS tỉnh đã quyết định tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giải quyết vụ kiện này.


Quá trình giải quyết vụ kiện, cơ quan chức năng phát hiện việc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Nha Trang chỉnh lý tên chủ sở hữu nhà 124 Mê Linh cho bà Mai căn cứ vào di chúc bản sao giả mạo được đóng dấu chứng thực sao y của  UBND phường Tân Lập?!  Khi giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý hợp đồng bảo lãnh, do đương sự không khai báo về việc này và Tòa án cũng không xác minh nên cũng không phát hiện tình tiết trên, dẫn đến việc bỏ sót những người thừa kế theo di chúc.


Đình chỉ đúng luật?


Lẽ ra trong trường hợp này, Tòa án cần tạm đình chỉ vụ kiện để chờ kết quả ủy  thác tư pháp; chờ kết quả giải quyết thu hồi giấy chứng nhận cấp trái pháp luật. Hoặc khi phát hiện có “di chúc giả” - là tình tiết mới phát hiện, Tòa cũng phải tạm đình chỉ để yêu cầu tái thẩm đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự trong vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, để xử lý hậu quả của hợp đồng bảo lãnh vô hiệu (vì tài sản bảo đảm không thuộc quyền sở hữu của bà Hải - người bảo lãnh). Nhưng mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện, với lý do: nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của vợ, con ông Vinh (người có quyền lợi liên quan đã chết trong quá trình giải quyết vụ kiện) dù đã được Tòa thông báo gia hạn thời hạn cung cấp. Quyết định này đã bị đương sự kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ để giải quyết theo quy định pháp luật.


Thực tiễn xét xử giám đốc thẩm cho thấy, có vụ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hủy các quyết định đình chỉ vụ kiện của Tòa án các cấp với lý do tương tự. Đối với trường hợp này, Tòa án cần tiếp tục giải quyết vụ án chia thừa kế và giao cho người thừa kế có địa chỉ tạm quản lý phần thừa kế của người vắng mặt để đảm bảo quyền lợi của những liên quan. Mặt khác, để đảm bảo quyền tố tụng của đương sự, Tòa án cần thực hiện việc thông báo, tống đạt, áp dụng các biện pháp ủy thác tư pháp theo đúng quy định của pháp luật tố tụng và thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Để tránh tình trạng đình chỉ vụ kiện không đúng, gây khó khăn cho người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, rất cần có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà