09:05, 27/05/2014

Qua mùa mới hỗ trợ giống

Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội miền núi, hàng ngàn hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được hỗ trợ giống để phát triển sản xuất. Thế nhưng, tình trạng đã qua mùa vụ mới được nhận giống hỗ trợ khiến người dân bức xúc.

Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội miền núi, hàng ngàn hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được hỗ trợ giống để phát triển sản xuất. Thế nhưng, tình trạng đã qua mùa vụ mới được nhận giống hỗ trợ khiến người dân bức xúc.


Theo Quyết định 596 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2015, năm 2014, xã Thành Sơn có gần 300 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ các loại giống cây trồng như: bắp, lúa, keo... Người dân trong xã thường tiến hành xuống giống các loại cây trồng khi mùa mưa bắt đầu (tháng 4). Tuy nhiên, do nguồn giống hỗ trợ về muộn nên hầu hết các hộ dân phải tự bỏ tiền mua giống trên thị trường về gieo trồng.

 


Chị Cao Thị Mai (thôn APA 1, xã Thành Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào đất trồng bắp. Để kịp thời vụ sản xuất, tôi phải mua giống bắp địa phương về trồng trước một nửa, nửa còn lại chờ giống bắp hỗ trợ của Nhà nước. Tình trạng cấp giống muộn đã ảnh hưởng đến lịch thời vụ, năng suất giảm đáng kể vì không mua được giống có chất lượng”. Tương tự, hộ anh Cao Hồ Văn (thôn APA 2, xã Thành Sơn) thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ giống bắp. Đến thời điểm này, 5ha bắp của gia đình anh đã lên quá đầu gối mà vẫn chưa nhận được giống hỗ trợ.  


Ông Nguyễn Minh Chính, cán bộ khuyến nông xã Thành Sơn nói: “Do nguồn cung cấp giống trôi nổi, không ít người dân mua phải giống bắp không đảm bảo chất lượng, năng suất đạt thấp. Nhưng nếu cứ đợi giống hỗ trợ, xuống giống muộn sẽ gặp phải đợt nắng hạn tiếp theo vào tháng 7, tháng 8, có khi còn bị mất trắng. Đến thời điểm trung tuần tháng 5, khi giống bắp được vận chuyển đến trụ sở UBND xã thì người dân đã xuống giống khoảng 70 - 80% diện tích bắp Hè Thu toàn xã. Số giống được cấp, xã vận động người dân để dành trồng trong vụ lỡ, không nên bán. Không chỉ giống bắp, hiện nay những hộ đăng ký trồng keo theo Chương trình 147 cũng tự mua giống về trồng gần hết diện tích, trong khi giống keo Nhà nước hỗ trợ đến tận tháng 6 mới cấp”.


Trong khi đó, ở xã Sơn Bình có gần 100 hộ nghèo được hỗ trợ giống bắp. Vụ Hè Thu năm nay, toàn xã dự kiến trồng khoảng 160ha bắp, hiện người dân đã trồng được hơn 90ha. Tuy nhiên, theo cán bộ xã, đây là diện tích bắp của những hộ dân tự bỏ vốn mua giống, còn giống được hỗ trợ sẽ cấp cho người dân trong cuối tháng 5.

 

 Bắp do người dân tự mua về trồng đã lên tốt (ảnh trên), trong khi giống bắp hỗ trợ mới được vận chuyển về các xã (ảnh dưới).
Bắp do người dân tự mua về trồng đã lên tốt (ảnh trên), trong khi giống bắp hỗ trợ mới được vận chuyển về các xã (ảnh dưới).


Ông Mấu Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Dân tộc huyện Khánh Sơn cho biết, so với các chính sách khác, việc hỗ trợ trực tiếp các loại giống cây trồng cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi đã giúp cho 100% hộ nghèo trên địa bàn huyện được hưởng lợi. Riêng năm 2014, toàn huyện có 1.186 hộ được hỗ trợ giống bắp, lúa. Qua 4 năm triển khai chính sách hỗ trợ giống, chỉ có năm 2013, người dân nhận được nguồn hỗ trợ sớm, những năm còn lại đều muộn do không được cấp vốn kịp thời. Hiện nay, quá trình sản xuất của người dân đều phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, trong khi việc gieo trồng bị muộn thời vụ nên năng suất bắp bình quân tại Khánh Sơn chỉ đạt 30 - 35 tạ/ha.


Lý giải về việc hỗ trợ giống muộn, bà Bo Bo Thị, Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn cho biết: “Đơn vị đã chủ động hợp đồng mua giống bắp, lúa từ tháng 3 để cấp cho các xã sản xuất kịp thời khi có mưa. Tuy nhiên, do phía công ty cung cấp giống gặp khó khăn trong khâu vận chuyển nên nguồn giống đến tay người dân chậm đến cả tháng”.


Đinh Luận