10:03, 17/03/2014

Mạnh ai nấy bít đường thoát lũ

Lâu nay, vào mùa mưa lũ, nước từ khu vực phía Đông thôn Khánh Thành Bắc (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) theo suối Đá và một rẻo đất thấp trũng cách đó không xa, đổ về sông Suối Dầu ở phía Tây. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở rẻo đất trũng đã đổ đất nâng cao khiến đường thoát nước lũ bị chặn….

Lâu nay, vào mùa mưa lũ, nước từ khu vực phía Đông thôn Khánh Thành Bắc (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) theo suối Đá và một rẻo đất thấp trũng cách đó không xa, đổ về sông Suối Dầu ở phía Tây. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở rẻo đất trũng đã đổ đất nâng cao khiến đường thoát nước lũ bị chặn….


Thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Chấn và một số người dân thôn Khánh Thành Bắc (xã Suối Cát) liên tục khiếu nại về việc khu vực này thường bị ngập úng mỗi khi mưa lũ. Ông Chấn và những người dân khẳng định, do ông Nguyễn Xuân Lê đổ đất nâng cao vườn đã làm thu hẹp và chuyển hướng dòng chảy tự nhiên, khiến khu vực bị ngập úng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây thiệt hại hoa màu của nhiều hộ dân. Họ khiếu nại, kiến nghị rất nhiều nhưng không cơ quan nào giải quyết.


Qua tìm hiểu, được biết dòng suối Đá bắt nguồn từ núi Bùng Binh ở phía Đông, chảy qua thôn Khánh Thành Bắc rồi đổ ra sông Suối Dầu ở phía Tây. Đây là đường thoát lũ chính của toàn bộ khu vực mà dòng suối chảy qua. Trước đây, nằm song song và cách con suối này khoảng 100m về phía Bắc là một rẻo đất thấp trũng, bắt đầu từ chân núi Bùng Binh xuôi theo địa hình hướng về phía Tây, cũng góp phần không nhỏ trong việc tiêu lũ cục bộ cho khu vực này (ngoài những lúc mưa lũ, rẻo đất này luôn khô ráo). Vì thế, đường sắt và Quốc lộ 1A giao cắt qua rẻo đất này đều có thiết kế cống thoát nước.

 

Không riêng nhà ông Lê, các hộ dân nằm trên rẻo đất trũng phía Tây họng cống này đã đổ đất nâng vườn nên dòng chảy tự nhiên đã bị xóa sổ.
Không riêng nhà ông Lê, các hộ dân nằm trên rẻo đất trũng phía Tây họng cống này đã đổ đất nâng vườn nên dòng chảy tự nhiên đã bị xóa sổ.


Hộ ông Nguyễn Xuân Lê nằm ở vị trí đầu tiên của rẻo đất trũng nói trên. Khoảng 7 năm trước, ông này đã đổ đất nâng cao vườn. Lúc đó, việc này đã vấp phải sự phản đối của một số người dân trong khu vực. Ông Lê cho biết: “Nhà tôi luôn bị ngập úng mỗi khi mưa lũ do đất khu này quá thấp trũng. Để khắc phục, tôi mới nâng cao vườn. Điều này có phần tác động đến dòng chảy tự nhiên nên tôi đã hiến 20m2 đất dọc con đường phía sau để làm mương thoát nước, nhưng vì các hộ phía sau cũng đã đổ đất nâng vườn nên gây ra cảnh ngập úng”. Đúng như lời ông Lê, theo quan sát của chúng tôi, các hộ dân khác cũng đổ đất nâng vườn chứ không riêng ông Lê.


Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết: “Hộ ông Lê nói riêng và các hộ nằm trong rẻo đất thấp trũng ở phía Tây Quốc lộ 1A đổ đất nâng vườn đều đúng theo phạm vi được cấp sổ đỏ nên không có căn cứ để cho rằng việc làm của họ là sai. Trong khi đó, hộ ông Chấn cũng đắp một con đường từ Quốc lộ  1A, băng qua đường sắt để làm đường đi mà không đặt cống nên đường thoát lũ tự nhiên từ khu vực thấp trũng ở phía Bắc qua khu đất thấp nằm giữa đường sắt và Quốc lộ 1A, rồi đổ vào suối Đá cũng bị chặn lại. Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần mời các bên lên giải thích, hòa giải, nhưng ông Chấn trước sau vẫn đề nghị địa phương buộc ông Lê phải khơi thông dòng chảy, trong khi đó ông Chấn lại không chấp hành việc đặt cống qua đường vào nhà để thoát lũ cục bộ”.

Như vậy có thể nói, để xảy ra tình trạng này, trước hết là do các hộ dân mạnh ai nấy làm. Mặt khác, về trách nhiệm của địa phương, tuy Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nhưng chính quyền cần thận trọng cân nhắc việc cho phép các hộ dân cải tạo đất sao cho không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên xung quanh.


 NAM ANH