09:12, 15/12/2013

Học sinh Việt Nam có thực sự giỏi?

Ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo kết quả đánh giá học sinh của PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) năm 2012, theo đó Việt Nam xếp thứ 17/65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng trên cả các cường quốc như Anh, Mỹ...

Ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông báo kết quả đánh giá học sinh (HS) của PISA (Chương trình đánh giá HS quốc tế) năm 2012, theo đó Việt Nam xếp thứ 17/65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng trên cả các cường quốc như Anh, Mỹ... nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi vào kết quả này. Liệu HS chúng ta có thực sự giỏi như thế không vẫn là câu hỏi của nhiều người, kể cả một số cán bộ, giáo viên trong ngành GD-ĐT.

 


Giỏi về học thuật, lý thuyết

 


Nếu có điều kiện theo dõi quá trình tham gia thực hiện PISA ngay từ đầu, chắc hẳn không ai dám nghi ngờ về tính khách quan, trung thực của chương trình này. Ở Khánh Hòa, 34 HS dự đợt kiểm tra này vào tháng 10-2012 được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên theo công thức riêng của PISA, trong đó có 1 trường thuộc địa bàn thuận lợi (THPT Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang) và 1 trường thuộc địa bàn khó khăn (THCS Nguyễn Thị Định, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa). Đề kiểm tra gồm có 3 môn: Toán, Đọc hiểu và Khoa học được đảm bảo bí mật hoàn toàn đến tận tay HS. Một cán bộ Sở GD-ĐT trực tiếp tham gia công việc này cho biết, các đề kiểm tra rất hay và lạ, chưa hẳn thầy cô giáo có thể làm tốt hơn HS và không thể có chuyện giáo viên “gà” bài cũng như việc HS coi bài của bạn vì có nhiều mã đề khác nhau. Tuy đến nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố kết quả kiểm tra, đánh giá cụ thể của HS Khánh Hòa cũng như các địa phương khác nhưng có thể khẳng định rằng kết quả ấy đã phản ánh đúng năng lực, trình độ thực sự của các em.

 


Thực ra, trí tuệ HS Việt Nam không hề thua kém so với HS các nước khác trên thế giới. Chúng tôi đã có dịp tham quan thực tế một số trường trung học ở  Singapore, một đất nước có nền giáo dục hiện đại nhất thế giới và được biết rằng các du HS Việt Nam sang học tập ở các trường này thường chỉ vất vả một thời gian đầu để nắm vững ngoại ngữ, còn sau đó việc học tập các môn khoa học tự nhiên, xã hội đều rất thuận lợi, nhẹ nhàng và luôn đạt điểm cao. Còn trong các kỳ thi Olympic quốc tế hàng năm, HS Việt Nam luôn xếp vào tốp trên ở hầu hết các môn thi, không hề thua kém các nước phát triển hàng đầu của thế giới.

 


Kém về thực hành, thực nghiệm

 


Tuy vậy, trong các công việc yêu cầu kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức đã học thì HS phổ thông thường bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Có những HS rất giỏi, nhanh nhạy khi học các môn Lý, Hóa, Sinh... trên lớp nhưng lúc thực hành hoặc thí nghiệm thì lại lúng túng, vụng về. Ngay cả các môn khoa học xã hội, trước những đề mở đòi hỏi sự bộc lộ suy nghĩ cá nhân và vận dụng kinh nghiệm sống của bản thân mình thì ngay những HS giỏi Văn của trường, lớp cũng khó thể hiện tốt năng lực cũng như cảm xúc riêng tư của mình, vốn là thước đo trình độ HS trong lĩnh vực này.  

 


Tại các trường trung học ở Singapore, các em du HS Việt Nam dường như luôn vất vả, nếu không nói là lép vế trong các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể, đặc biệt là trong các sinh hoạt đòi hỏi sự linh hoạt trong ứng xử, phối hợp và có các tố chất, năng lực chỉ huy, lãnh đạo. Trong khi đó, hình thức hoạt động nhóm vốn yêu cầu cao các kỹ năng này lại rất phổ biến trong việc tổ chức giáo dục và dạy - học của các trường phổ thông nước bạn. Điều ấy làm cho chúng ta không khỏi liên tưởng đến việc HS nước ngoài có thể một mình đi du lịch khắp thế giới, còn con em chúng ta luôn bỡ ngỡ, rụt rè khi ra khỏi nhà khiến phụ huynh phải kèm cặp và để mắt trông coi. Thực chất, những mặt yếu kém này không đáng lo ngại lắm vì nó không thuộc về phẩm chất trí tuệ mà chủ yếu là do cách thức, phương pháp giáo dục hiện nay chưa tạo cơ hội, điều kiện tốt cho HS tiếp cận và rèn luyện.

 


Sẽ giỏi toàn diện hơn trong thời gian tới?

 


Thực ra, những vấn đề trên đây ít nhiều cũng đã được đề cập trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và Bộ GD-ĐT. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết 29NQ/TW ngày 4-11-2013 tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã định hướng xây dựng nền một giáo dục mở, thực học, thực nghiệp. Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch thay sách giáo khoa phổ thông bắt đầu từ năm 2015. Các khóa tập huấn, bồi dưỡng của Bộ cũng đã chuyển hướng dần theo con đường này. Vấn đề còn lại là nếu các cấp quản lý giáo dục ở từng địa phương kiên trì tập trung đổi mới phương pháp giáo dục và giảng dạy ở các trường phổ thông, tin chắc rằng trong một thời gian không xa, HS Việt Nam sẽ tự tin chứng minh cho xã hội biết các em còn giỏi toàn diện hơn.

 


LÊ VĂN