07:11, 15/11/2013

Tham… nên bị lừa

Chiều 4-11, ông Nguyễn Văn Hoàng, trú xã Phước Đồng (Nha Trang) vừa lên xe chuẩn bị ra khỏi nhà thì gặp một phụ nữ ăn mặc khá tuềnh toàng, mặt đeo khẩu trang, tay cầm một chiếc điện thoại đang reo chuông inh ỏi bước lại gần và hỏi: "Chú ơi, chú có biết sử dụng cái này không, tắt chuông giùm tôi".

Chiều 4-11, ông Nguyễn Văn Hoàng, trú xã Phước Đồng (Nha Trang) vừa lên xe chuẩn bị ra khỏi nhà thì gặp một phụ nữ ăn mặc khá tuềnh toàng, mặt đeo khẩu trang, tay cầm một chiếc điện thoại đang reo chuông inh ỏi bước lại gần và hỏi: “Chú ơi, chú có biết sử dụng cái này không, tắt chuông giùm tôi”. Cầm điện thoại lên, ông Hoàng nhận ra đó là một chiếc điện thoại thông minh Iphone 5S. Ông quẹt nhẹ màn hình để tắt máy rồi đưa lại cho người phụ nữ. Chị ta ra vẻ ngạc nhiên rồi phân trần mình mới nhặt được cái máy này tại một quán cà phê gần đó. Rồi làm như vẻ vô tình chị ta hỏi: “Cái này bây giờ bao nhiêu tiền hả chú?”. Ông Hoàng biết loại điện thoại này trên thị trường giá khoảng15 triệu đồng nhưng lại nói: “Cái này tầm 1 triệu là cùng”. Người phụ nữ liền gạ ông Hoàng lấy điện thoại vì mình chẳng biết dùng. Thấy quá hời, ông Hoàng không suy nghĩ móc bóp đưa 1 triệu đồng cho chị ta rồi định đi luôn vì sợ chị ta đổi ý. Chị này lại nằn nì: “Chú cho tôi thêm chút nữa chứ sao rẻ thế”. Sợ có người đến lại rách việc, ông Hoàng móc thêm 200.000 đồng dúi cho chị ta rồi phóng xe đi.


Mừng rỡ vì tự dưng vớ được món hời, ông Hoàng chạy ra tiệm điện thoại di động mua đồ sạc pin thêm 250.000 đồng nữa rồi hỏi người chủ cửa hàng giá chiếc điện thoại. Sau khi xem xét một hồi, ông chủ tiệm nói: “Cái này tầm 300.000 đồng”. Ông Hoàng sững người thì chủ tiệm giải thích: “Hiện nay, một số Iphone hàng nhái đã có mặt tại Việt Nam. Về mẫu mã thì chẳng khác gì hàng chính hãng nhưng chất lượng thì vô cùng tệ”. Ông Hoàng đem máy về dùng chỉ được đúng 3 ngày thì điện thoại hư. Cho đến giờ, khi nhắc lại sự việc ông Hoàng vẫn chưa nguôi nỗi bực tức với chính ông vì bị lừa quá dễ dàng: “Tôi là dân làm ăn, dễ ai lừa được tôi. Mấy cái chiêu này tôi đọc báo đã biết, thế mà khi gặp thực tế, lòng tham đã làm tôi mất cảnh giác nên mới sụp bẫy dễ dàng”.


Một biến thể khác của thủ đoạn này cũng khiến nhiều người bị sụp bẫy. Chị Nguyễn Thị Hà, trú tổ 3 Tháp Bà, Vĩnh Phước kể lại: “Hôm ấy, tôi vừa vào ngân hàng để rút tiền. Khi dắt xe ra ngoài cổng ngân hàng, bỗng một phụ nữ trạc hơn 40 tuổi, ăn mặc lịch sự gọi lại, nói: “Chị ơi, có phải chị làm rơi cọc tiền này không?”. Người phụ nữ ấy chìa ra một cọc tiền 20.000 đồng mới, được buộc bằng loại dây gai chuyên dụng của ngân hàng. Phía ngoài có ghi hàng chữ: “Gửi con: Nguyễn Văn Thành, Đại học Kiến trúc TPHCM, 5 triệu đồng”. Người phụ nữ nói: “Em cũng đang vào ngân hàng chuyển tiền cho con học đại học trong TP. Hồ Chí Minh, thấy chị làm rơi tiền nên em rất thông cảm. Em mà tham thì lấy của chị rồi”. Lòng tham nổi lên nên tôi đã mất cảnh giác, nhận đó là tiền của mình, và đưa cho người phụ nữ 500.000 đồng như thay lời cảm ơn. Về nhà, mở cọc tiền ra mới thấy chỉ có 2 tờ ngoài cùng là tiền thật, còn bên trong là tiền âm phủ”.


Rõ ràng trong 2 trường hợp này, những kẻ lừa đảo đã chuẩn bị kịch bản rất khéo léo để xua tan mọi sự cảnh giác của nạn nhân. Câu chuyện “nhặt vàng rơi rồi đòi chia đôi” đã quá xưa nhưng với các biến thể mới, thủ đoạn này vẫn làm nhiều người bị lừa. Nguyên nhân chính vẫn là do lòng tham của con người.


Trần Hùng