Vừa qua, tôi có đọc phóng sự “Đỏ mắt vì... bí đỏ” đăng trên báo Khánh Hòa Chủ nhật và cảm thấy rất tâm đắc. Bởi tôi nhận thấy có sự tương đồng giữa câu chuyện về những nông dân này và chuyện của mình.
Vừa qua, tôi có đọc phóng sự “Đỏ mắt vì... bí đỏ” đăng trên báo Khánh Hòa Chủ nhật và cảm thấy rất tâm đắc. Bởi tôi nhận thấy có sự tương đồng giữa câu chuyện về những nông dân này và chuyện của mình.
Từ chuyện người ngẫm lại chuyện mình
Trước đây, tôi nuôi cá ở vịnh Thủy Triều, Cam Ranh. Lúc ấy, những người bạn của tôi rỉ tai rằng, nuôi cá mú trúng lắm. Thấy họ thu lãi khá nhiều từ một diện tích nuôi nhỏ, tôi cũng ham nên quyết định đầu tư nuôi cá với suy nghĩ: “họ làm được thì mình cũng làm được”. Lúc đó, chưa có nhiều người nuôi loài cá này nên chủ yếu tôi phải học từ thực tế và từ vài kinh nghiệm “truyền khẩu” của bạn bè đi trước. Ban đầu, vì e ngại khó thành công nên tôi chỉ dám đầu tư nhỏ, chủ yếu là nuôi lấy kinh nghiệm. Nhưng không ngờ, cá lớn nhanh, và tôi trúng đậm. Vụ cá ấy, nhiều thương lái còn tranh nhau mua, thậm chí còn liên tục nâng giá để giành quyền được tôi bán cho. Tôi cảm thấy thật sung sướng. Lãi nhiều, cộng với thái độ cầu cạnh của giới thương lái khiến tôi chủ quan. Nhưng cũng từ đây, rất nhiều người đổ xô vào nuôi cá như tôi, khiến giá đầm, đìa tăng chóng mặt. Sợ bỏ lỡ thời cơ và cũng sợ người khác tranh hết phần, tôi quyết định dốc toàn bộ vốn liếng, cả vay mượn thêm để mở rộng quy mô hồ cá. Vụ cá này, tôi cũng nuôi thành công, cá cũng lớn nhanh. Nhưng những người khác cũng nuôi thành công. Vì vậy, cá thành phẩm rất nhiều, nhưng thương lái lại quay ra thờ ơ... Cá đã lớn đến độ nếu không xuất được thì bắt đầu giảm giá trị. Đến lúc này, tôi đành phải “xuống nước”, tìm thương lái để đề nghị bán cá. Nhưng người nào cũng kêu khó vì “đối tác không mua nên không thể thu cá” của tôi. Các chủ trại cá khác cũng phải năn nỉ thương lái để thu hồi vốn. Rốt cuộc, tôi cũng bán được cá nhưng vụ ấy cơ bản chỉ lời chút đỉnh. Sau này mới biết, té ra, những thương lái này thông đồng với nhau để dìm giá chứ thực tế, “cầu” ở nước ngoài vẫn dồi dào. Rốt cuộc, bao nhiêu công sức của người nuôi cá chảy hết vào túi thương lái. Nhưng đó là sau này tôi mới biết, chứ lúc đó còn ham lắm.
Đã lỡ đầu tư cả đống tiền, nay không làm nữa cũng không được nên tôi lại gắng nuôi thêm vụ nữa. Lần này, giống và thức ăn (do các thương lái cung cấp) bắt đầu tăng, chiếm rất nhiều chi phí. Trót đâm lao thì phải theo lao, tôi cắn răng vay mượn mọi nơi để duy trì sản xuất. Nhưng vụ này, tôi thất bại thê thảm: Cá nuôi một phần bị bệnh chết (môi trường quá bẩn vì nhiều người nuôi), phần thì chậm lớn nên đến cuối vụ, tôi lỗ nặng, phải bán hết cả đầm và thêm nhiều tài sản khác để trả nợ. Chỉ các thương lái là vẫn ung dung ngồi rung đùi!
Những điều rút ra
Từ đó, tôi không dám nuôi tôm, cá gì nữa và coi đó là bài học đắt giá cho mình. Bài học đó tưởng đã cũ, nhưng rồi thỉnh thoảng, tôi lại nghe thông tin về những “nạn nhân” khác. Nào là người nuôi tôm thẻ, tôm sú, ốc hương, hàu, vẹm, mía, bí đỏ... tất cả đều lao đao bởi cái điệp khúc mà tác giả bài “Đỏ mắt vì... bí đỏ” đã viết: “được mùa - mất giá, mất mùa - được giá”. Tôi lại nhớ tới vụ làm ăn thất bát của mình và ngẫm lại để rút ra những điều mà vào thời điểm đó, tôi không đủ tỉnh táo để nhận ra. Và tôi nhận thấy mình đã phạm quá nhiều sai lầm.
Sai lầm cơ bản là tôi đã đầu tư theo phong trào. Dĩ nhiên, khi một vài người thành công trong nuôi trồng một loại cây, con gì đó thì đây là hướng đi tốt. Tuy nhiên, để quyết định đầu tư hay không, cần tính toán kỹ càng. Sự tính toán này dựa vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng là phải biết dựa trên các quy luật kinh tế, quan hệ cung - cầu, nhưng lúc đó, tôi hoàn toàn mù tịt về thông tin, không hề tìm hiểu. Khi toàn bộ đều dựa vào thương lái, tôi đã bị họ ép giá thê thảm. Khi nhiều người cùng làm, sản phẩm nhiều, nguồn cung hạn chế, ắt hẳn giá thành sẽ đi xuống. Vì thế, sản xuất theo phong trào, không quan tâm đến nguồn cung, không quy hoạch thì cầm chắc thất bại.
Dĩ nhiên, đối với nông dân, cũng không thể bắt họ phải có tầm nhìn xa hay chủ động trong các khâu sản xuất, phân phối. Điều này đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan chức năng cần định hướng sản xuất. Nông dân có thể thấy lời mà ham nuôi, trồng nhưng cơ quan Nhà nước thì phải kiểm soát được quy mô trên cơ sở tính toán đúng thị trường. Nhà nước có đủ quyền lực và công cụ để làm điều đó. Chẳng hạn, Nhà nước có thể dùng thuế, chính sách... để điều tiết hoạt động của doanh nghiệp lẫn nông dân. Có như thế, mới bảo đảm phát triển bền vững. Nếu cứ khoán trắng cho nông dân và doanh nghiệp tự xoay xở thì chắc chắn sẽ lại xảy ra điệp khúc cũ: “được giá thì đầu tư, đầu tư thì được mùa, được mùa lại mất giá”.
Tôi nghĩ rằng, các cơ quan quản lý, ngành chức năng cần định hướng sản xuất và sâu sát hơn trong lĩnh vực mình quản lý, tránh tình trạng để nông dân sản xuất tự phát kiểu... bí đỏ thế này.
VŨ LINH