Cam Lâm là huyện đầu tiên và hiện là duy nhất trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện thi tuyển hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Cách làm mới này bước đầu tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng thực tế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cam Lâm là huyện đầu tiên và hiện là duy nhất trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện thi tuyển hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Cách làm mới này bước đầu tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng thực tế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Hiệu quả rõ rệt
Thực ra, thi tuyển hiệu trưởng không phải là việc hoàn toàn mới mẻ. Một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện khá lâu. Nhưng đối với Khánh Hòa, huyện Cam Lâm là địa phương đầu tiên tổ chức thi tuyển hiệu trưởng (năm 2009, ở Trường Tiểu học Cam Thành Bắc). Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam đã đăng ký dự thi và trúng tuyển. Thực tiễn công tác đã cho thấy chủ trương này là đúng đắn, do đó, năm 2011, Cam Lâm tiếp tục tổ chức thi tuyển hiệu trưởng ở 3 trường mầm non và phổ thông. Kết quả, bà Trần Thị Anh Kim - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương, bà Võ Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Đức 1 và ông Nguyễn Hữu Tân - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phan Đình Phùng đã trúng tuyển.
Theo đánh giá của UBND huyện Cam Lâm, sau khi được bổ nhiệm (ngày 1-8-2011), hiệu trưởng của cả 3 trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường theo nội dung đề án đã trình bày tại cuộc thi. Điểm nổi bật là nền nếp của các nhà trường ổn định; việc phân công, phân nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hợp lý, rõ ràng, cụ thể nên phát huy được trình độ chuyên môn và năng lực công tác của mỗi người. Quy chế dân chủ ở cơ sở được đảm bảo; tập thể nhà trường đoàn kết; công tác xã hội hóa giáo dục được phát huy. Phong trào thi đua xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” có nhiều khởi sắc, đặc biệt việc tự học, tự rèn của các thầy cô giáo có nhiều chuyển biến mới. Trong năm học 2011 - 2012, năm học đầu tiên của các tân hiệu trưởng tại nhiệm sở mới, ngoài việc duy trì nền nếp dạy và học, chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường cũng từng bước được nâng lên so với cùng thời điểm này năm trước; sĩ số học sinh được duy trì tốt; đặc biệt, không có học sinh bỏ học, góp phần tích cực vào việc phổ cập giáo dục các cấp của mỗi địa phương.
Đánh giá thi đua cuối năm học 2011 - 2012, cả 3 trường đều đạt tiên tiến trở lên, trong đó có 2 trường đạt danh hiệu xuất sắc, riêng Trường Tiểu học Cam Đức 1 dẫn đầu khối tiểu học của toàn huyện. Cả 3 hiệu trưởng đều được đánh giá, xếp loại xuất sắc.
Những khó khăn
Bên cạnh kết quả bước đầu như đã nói ở trên, việc thi tuyển hiệu trưởng ở Cam Lâm vẫn có những khó khăn, hạn chế nhất định.
Do tâm lý e ngại nên số lượng người nộp đơn dự tuyển còn thấp (lần thi tuyển năm 2011, chỉ có 4 người đăng ký tham gia/3 vị trí công tác và qua các khâu xét duyệt, chỉ có 3 người đủ điều kiện dự thi).
Bên cạnh đó, do các hiệu trưởng đều trúng tuyển ở đơn vị mới, chưa có thời gian gần gũi, nắm bắt tâm lý của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nên việc triển khai thực hiện các đề án trình bày khi dự thi có lúc còn bỡ ngỡ, chưa được sự đồng thuận cao của tập thể, do vậy, có những việc triển khai còn khó khăn, lúng túng.
Ngoài ra, một số nội dung trong đề án của người trúng tuyển, khi áp dụng vào thực tế nhà trường cũng còn những điểm chưa sát hợp, phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nên tiến độ thực hiện chưa kịp thời.
Cần được mở rộng
Theo đánh giá của UBND huyện Cam Lâm, việc thi tuyển hiệu trưởng trên địa bàn huyện đã phát huy tính dân chủ, công khai, góp phần tích cực đổi mới quy trình, phương thức đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục. Đây cũng là cơ sở để tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo các cấp, ngành và là mô hình phù hợp để lựa chọn người hội đủ tiêu chuẩn cần thiết, đặc biệt là về năng lực hoạch định, thuyết phục, điều hành hoạt động.
Mặt khác, phương thức này cũng tạo cơ hội thăng tiến cho những cán bộ, giáo viên trẻ có năng lực và tâm huyết, không phải chờ đợi thụ động được cấp trên quan tâm, cất nhắc, vốn là tình trạng còn khá phổ biến ở nhiều nơi trong thời gian qua.
Dư luận trong ngành về kết quả thi tuyển hiệu trưởng ở Cam Lâm cũng khá tích cực. Nhiều người cho rằng đây là nỗ lực đáng quý của Cam Lâm trong việc không ngừng đổi mới công tác quản lý để sự nghiệp giáo dục bứt phá, vươn lên mạnh mẽ. Bằng chứng thuyết phục nhất là cuối năm học 2011 - 2012, ngành giáo dục và đào tạo Cam Lâm đã xuất sắc dẫn đầu khối thi đua các phòng giáo dục và đào tạo trong toàn tỉnh. Không ít cán bộ, giáo viên ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng mong muốn tổ chức thi hiệu trưởng ngay chính trường mình để có thể thay đổi phương thức quản lý giáo dục hiện tại.
Mới đây, xét đề nghị của UBND huyện Cam Lâm, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý về chủ trương cho phép Cam Lâm tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng đối với các trường hạng 1, với điều kiện đối tượng thi tuyển phải là cán bộ thuộc diện quy hoạch và đạt chuẩn về cán bộ quản lý giáo dục. Đó cũng là yêu cầu hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn hiệu trưởng các trường mầm non và phổ thông hiện nay.
Đỗ Quyên