Mới đây, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Khánh Hòa đã kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại 60 trường mầm non, tiểu học
Mới đây, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Khánh Hòa đã kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) tại 60 trường mầm non, tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Kết quả cho thấy, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã quan tâm đúng mức đến công tác này, tuy vậy vẫn còn một số tồn tại, chủ yếu do cơ sở vật chất chưa được đảm bảo.
Ý thức chấp hành tốt
Đa số trường tổ chức bếp ăn bán trú được kiểm tra đều đã chú trọng tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. |
Trong số các trường mầm non, tiểu học được kiểm tra lần này, 97% số trường có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 85% trường tổ chức cho nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm học tập kiến thức ATTP và cập nhật kiến thức ATTP mỗi năm một lần; 90% trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm người lành mang trùng theo quy định của ngành Y tế cho tất cả nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; trang bị bảo hộ lao động cho nhân viên. Ở các trường được kiểm tra, việc thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân được thực hiện khá tốt.
Cả 60 trường này đều đã bố trí bếp ăn xa khu vực môi trường ô nhiễm. Đa số trường đều có nơi chế biến, bảo quản thực phẩm và dụng cụ sạch, gọn gàng; có trang thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ chế biến, bảo quản thực phẩm và cũng đã bố trí nơi rửa tay cho học sinh trước và sau khi ăn đạt yêu cầu. Hầu hết trường đều sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm có hợp đồng mua bán với địa chỉ cụ thể, có đầy đủ phiếu kiểm dịch của cơ quan thú y đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; phần lớn nguồn thực phẩm được mua và chế biến, sử dụng ngay trong ngày. Các cơ sở đều có sổ kiểm tra thực phẩm đầu vào, sổ ghi thực đơn và sổ tính lượng ca-lo cho khẩu phần ăn hàng ngày. Các cơ sở, trường học đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu mẫu thực phẩm cũng như gửi mẫu kiểm tra nguồn nước chế biến thực phẩm. Thức ăn sau khi nấu chín đều được che đậy cẩn thận để tránh ruồi, bụi. Chén, đũa, muỗng được xử lý bằng nước sôi trước khi phân chia thức ăn. Những nơi sử dụng nước uống đóng bình đều có chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.
Vẫn vướng ở cơ sở vật chất
Tuy vậy, vẫn còn một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp, tạm bợ. Hầu hết trường được kiểm tra chưa có phòng ăn riêng biệt, thường được kết hợp ăn tại lớp hoặc bố trí tại khu vực hành lang lớp học. Có gần 20% cơ sở chưa đảm bảo xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc 1 chiều; khu vực sơ chế, chế biến, phân chia thức ăn chưa tách biệt; một số nơi nhà vệ sinh còn nằm trong khu vực sơ chế, hố ga lộ thiên... và ở nhiều nơi, các trang thiết bị, dụng cụ còn thiếu (nhất là tủ đựng dụng cụ sạch, tủ lưu mẫu, dụng cụ lưu mẫu, bàn sơ chế...). Công tác vệ sinh ngoại cảnh cũng chưa được sạch sẽ, gọn gàng. Các trường mẫu giáo, mầm non thường sử dụng nước đun sôi để nguội để làm nước uống hàng ngày cho các cháu nhưng lại không thực hiện xét nghiệm các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế. Đoàn kiểm tra đã lấy 19 mẫu nước uống đun sôi để nguội tại 19 trường để làm xét nghiệm vi sinh (Coliforms và Coliforms chịu nhiệt) và nhận thấy có đến 14 mẫu nước không đạt vi sinh, trong đó, có những trường mầm non lớn, số lượng học sinh rất đông.
Có thể thấy, các cơ sở, trường học có tổ chức bán trú đều đã dần nhận thức được tầm quan trọng của ATTP nhưng chưa chuyên nghiệp trong một số khâu có tính nghiệp vụ như lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, xét nghiệm nước, xử lý ngộ độc... Việc khắc phục những hạn chế này không khó khăn, trong tầm tay của các trường với sự giúp đỡ thường xuyên của ngành Y tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất khi ngân sách còn hạn hẹp; trong đó, bếp ăn một chiều là trở ngại lớn trong phạm vi toàn ngành. Đầu năm học này, khi mở rộng việc tổ chức bữa ăn trưa cho toàn bộ các trường mầm non, tiểu học ở 2 huyện miền núi và các vùng dân tộc thiểu số, nhiều người đã băn khoăn, lo ngại vì hầu hết các trường không đảm bảo yêu cầu này. Nhưng chờ khi đủ điều kiện cũng xa, nên các trường đành vừa làm vừa lo! Gần đây, một trong số những trường tiểu học ở Nha Trang vừa được kiểm tra không có bếp ăn một chiều đã tìm đến giải pháp xã hội hóa việc xây dựng bếp ăn thông qua sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhà trường đã vấp phải phản ứng mạnh, khó giải quyết được cho vẹn cả đôi đường: vừa đảm bảo quy định của ngành Y tế, vừa được phụ huynh đồng tình, trong bối cảnh trường không đủ kinh phí xây dựng như hiện nay.
ĐỖ QUYÊN