05:10, 04/10/2012

Cần đầu tư hơn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp

Vụ cháy chợ Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa) vừa qua cho thấy đã bộc lộ những thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu quả của công tác chữa cháy chuyên nghiệp…

Vụ cháy chợ Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa) vừa qua cho thấy đã bộc lộ những thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu quả của công tác chữa cháy chuyên nghiệp…

Xét về mặt thiệt hại, vụ cháy chợ Ninh Diêm không lớn bằng các vụ cháy lớn trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân có lẽ do chợ Ninh Diêm không phải là một chợ lớn, không nằm trong khu đô thị và lượng hàng hóa không lớn. Nhưng, đối với những người dân nghèo ở địa phương có mức phát triển kinh tế - xã hội chưa cao như thị xã Ninh Hòa thì con số 4 tỷ đồng hàng hóa và 1,5 tỷ đồng cơ sở hạ tầng là thiệt hại tương đối đáng kể. Theo thông tin từ Báo Khánh Hòa, việc khống chế ngọn lửa là khá khó khăn. Vụ cháy bắt đầu vào lúc nửa đêm nhưng phải đến 7 tiếng sau mới được dập tắt hoàn toàn dù các cơ quan chức năng đã triển khai công tác chữa cháy khá kịp thời. Lực lượng tham gia chữa cháy gồm lực lượng tại chỗ của chợ, xe chữa cháy của Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin và 2 xe chữa cháy của Công an tỉnh. Nếu xét về vị trí, quy mô của chợ thì hậu quả là rất lớn. Toàn bộ hàng hóa trong khu nhà lồng của chợ đã bị lửa thiêu rụi và nhiều phần kiến trúc của chợ bị hư hỏng. Theo thông tin đã đưa, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cũng chỉ hạn chế không cho lửa lan rộng, chứ không thể cứu được hàng hóa trong chợ. Điều đó cho thấy hiệu suất chữa cháy là thấp.

Vụ cháy chợ Ninh Diêm (Ninh Hòa) vừa qua cho thấy đã bộc lộ những thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu quả của công tác chữa cháy chuyên nghiệp…
Các thành viên Ban quản lý chợ Ninh Diêm xem xét việc tháo dỡ sau vụ cháy. 

Từ xưa đến nay, trong việc cứu hỏa, điều luôn phải chú trọng là thời gian. Càng triển khai chữa cháy sớm bao nhiêu thì hậu quả càng được giảm bớt bấy nhiêu. Rõ ràng qua sự việc này cho thấy, việc triển khai công tác chữa cháy không kịp thời như yêu cầu vốn có của nó. Phải 30 phút sau vụ cháy, xe cứu hỏa của Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin mới có mặt; 2 xe chữa cháy của Công an tỉnh từ Nha Trang chạy ra với quãng đường trên 40km nên thời gian còn lâu hơn. Với thời gian đó thì đã đủ cho ngọn lửa bùng lên mạnh hơn và lan rộng khắp cả khu chợ.

Theo phương án PCCC đã được lập, lực lượng PCCC tại chỗ chịu trách nhiệm khống chế ngọn lửa trong khi chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới. Tuy nhiên, có thể thấy công tác chữa cháy tại chỗ đã không đạt yêu cầu. Về mặt khách quan, đó là do trang thiết bị chữa cháy còn sơ sài, thiết kế chợ còn bất hợp lý. Còn về chủ quan thì Ban quản lý chợ đã không duy trì chế độ trực 24/24 giờ. Vấn đề này chắc chắn sẽ được xem xét rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều nhiều người dân quan tâm là liệu có thể rút ngắn thời gian có mặt của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại hiện trường kể từ khi vụ cháy được phát hiện?

Hiện nay, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh là Công an PCCC tỉnh. Theo tổ chức thì lực lượng này không được biên chế theo địa giới hành chính từ tỉnh xuống cấp huyện mà được tổ chức theo địa bàn vùng. Hiện toàn tỉnh có 3 đơn vị PCCC chuyên nghiệp tại Nha Trang, Cam Ranh và Vạn Ninh. Tùy vào trường hợp và yêu cầu cụ thể mà các đơn vị này nhận lệnh hoạt động. Chẳng hạn như ở Cam Ranh, đơn vị này chịu trách nhiệm chữa cháy ở địa bàn Cam Ranh, Cam Lâm và Khánh Sơn, hoặc đơn vị ở Nha Trang thì chữa cháy tại Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa và trường hợp vừa rồi là một ví dụ.

Như vậy, có thể thấy, thời gian cứu hỏa có mặt tại hiện trường tỷ lệ thuận với quãng đường. Những vụ cháy càng xa các khu vực trung tâm bao nhiêu thì thời gian càng dài bấy nhiêu. Trong vụ việc này, rất may là Nhà máy Hyundai Vinashin có phương tiện cứu hỏa hiện đại ở gần địa điểm cháy nên sớm tham gia chữa cháy, nếu địa điểm cháy ở địa bàn khác thì chỉ còn biết trông chờ vào các xe chữa cháy của Công an PCCC. Nếu giả sử sự việc trên xảy ra không quá xa vị trí của các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì chắc chắn hậu quả sẽ được giảm bớt rất nhiều.

Được biết, để trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC đáp ứng nhu cầu chữa cháy chuyên nghiệp không phải đơn giản. Giá thành của các xe chuyên dùng và các thiết bị PCCC hết sức đắt đỏ. Ngoài ra, việc đào tạo lực lượng Công an PCCC có đủ trình độ, khả năng thao tác, vận hành các thiết bị này để đạt hiệu suất cao cũng diễn ra lâu dài và tốn kém. Chính vì những nguyên nhân đó mà khó có thể tổ chức lực lượng PCCC chuyên nghiệp rải đều khắp các địa bàn.

Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như hiện nay, nhu cầu về việc mở rộng và nâng cao trình độ “tác chiến” của lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp là rất cần thiết. Thiết nghĩ, ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy (vốn là nhiệm vụ trọng tâm), Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư thêm các đơn vị PCCC chuyên nghiệp để ứng phó kịp thời với những bất trắc có thể xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của nó.

NGUYỄN THỊ HẢI
(Lộc Thọ, Nha Trang)