06:10, 01/10/2012

Cẩn thận với kinh doanh đa cấp biến tướng

Pháp luật Việt Nam không cấm hành vi kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, do quản lý chưa chặt chẽ, có nhiều người đã lách luật để trục lợi, đổ dồn thiệt thòi về phía người mua…

Pháp luật Việt Nam không cấm hành vi kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, do quản lý chưa chặt chẽ, có nhiều người đã lách luật để trục lợi, đổ dồn thiệt thòi về phía người mua…

Thuyết trình lén lút, giá trên trời

Cách đây vài năm, ở Nha Trang, nổi đình đám nhất là Công ty H.T.Đ chuyên kinh doanh hàng đa cấp. Sau một thời gian hoạt động, Công ty này đã lặng lẽ rút đi. Gần đây, hình thức kinh doanh này lại xuất hiện trở lại. H., sinh viên năm 3 khoa Nuôi trồng Đại học Nha Trang cho biết, có những người ăn mặc lịch sự thường đến rủ rê sinh viên bán hàng đa cấp. Nhưng người tham gia không được biết địa điểm trụ sở Công ty. Họ chỉ được dự các buổi thuyết trình, được tổ chức tại các quán cà phê theo hình thức nhóm nhỏ. Chỉ những người được người kinh doanh cũ giới thiệu rõ ràng mới được tham gia; địa điểm thuyết trình cũng thay đổi liên tục. Đặc biệt, sản phẩm (thường là mỹ phẩm) được chào bán với giá rất cao, khoảng 1,2 triệu đồng/bộ, nhưng chưa ai từng nghe nói về thương hiệu sản phẩm đó.

Tham dự một buổi thuyết trình về bán hàng đa cấp, đa số dễ có cảm giác choáng ngợp bởi viễn cảnh xán lạn về mức thu nhập cao. Cũng vì thế, đa số các bạn sinh viên đã tự nguyện tham gia và lôi kéo người thân của mình tham gia. Hầu hết sản phẩm của các công ty bán hàng đa cấp loại này đều là những sản phẩm có rất ít thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và khó kiểm giá; hoặc được quảng cáo là những sản phẩm siêu cao cấp, có giá trị lớn. Hầu hết sản phẩm bán bởi những công ty này là những mặt hàng được nhiều người tiêu dùng quan tâm nhưng lại khó kiểm chứng giá trị ngay lập tức như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp…

Cần thận trọng để tránh bị lợi dụng

Thực ra, bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng trung thực xuất hiện ở Mỹ từ giữa thế kỷ XIX. Đây là hình thức bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng không thông qua các kênh bán lẻ. Như vậy, người tiêu dùng trở thành những nhà phân phối cho chính sản phẩm đó. So với kiểu kinh doanh truyền thống (nhà đầu tư sản xuất sản phẩm, tổ chức mạng lưới phân phối đến người tiêu dùng) thì hình thức này đã tiết kiệm được các chi phí trung gian và chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... Phần chi phí tiết kiệm này được trả thẳng cho khách hàng - lúc này đang đóng vai trò là nhà phân phối của hãng. Người tiêu dùng kiểm chứng những kết quả sử dụng của bản thân và những người quen biết để quảng cáo, thu hút khách hàng. Những người được họ giới thiệu và sử dụng sản phẩm trở thành nhà phân phối thứ cấp, và đến lượt mình, họ tiếp tục giới thiệu những khách hàng khác cho công ty. Như vậy, khách hàng vừa trực tiếp mang lại lợi nhuận cho công ty vừa đóng vai trò là nhân viên tiếp thị cho công ty, lượng khách hàng càng nhiều thì chi phí tiết kiệm càng lớn. Chi phí đó được chi trả cho các khách hàng/nhà phân phối theo tỷ lệ doanh thu (thông qua mức tiêu thụ của những người đã được họ giới thiệu). Đây là một hình thức kinh doanh thông minh và hiệu quả.

Chính vì thế, khi du nhập vào Việt Nam, hình thức này đã được pháp luật cho phép. Năm 2005, Chính phủ có Nghị định 110/CP điều chỉnh về bán hàng đa cấp. Theo đó, việc kinh doanh đa cấp bắt buộc phải tuân thủ những quy định khá nghiêm ngặt, chẳng hạn như phải đăng ký kinh doanh, các sản phẩm phải được kiểm định và thông báo giá bán. Đó là chưa kể hàng loạt các thủ tục bắt buộc khác theo hướng dẫn tại Thông tư 19/TT-BTM ngày 8-11-2005, hướng dẫn thực hiện Nghị định 110/CP.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít công ty đã lợi dụng sự cho phép của pháp luật. Bởi họ không nhắm đến việc tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu tìm cách trục lợi từ khoản chênh lệch khổng lồ giữa giá bán và giá trị thật của sản phẩm. Khoản chênh lệch đó được lấy từ túi của những người tham gia mạng lưới. Ví dụ: Một lô mỹ phẩm chỉ có giá vài trăm ngàn đồng được họ định giá tới vài triệu đồng. Với cách thức tạo ra chênh lệch lớn như thế, họ đủ sức trả hoa hồng cao ngất ngưởng để kích thích ham muốn của khách hàng. Ngoài ra, các công ty đều tìm cách hoạt động lén lút, không đăng ký với các cơ quan chức năng. Chính vì thế, mới có chuyện các thuyết trình viên cứ giấu giếm địa chỉ thực của công ty, tổ chức thuyết trình ở những nơi ít bị chú ý và thay đổi liên tục để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Vì thế, tuy hình thức kinh doanh đa cấp không bị pháp luật Việt Nam cấm, nhưng những người được mời, trước khi tham gia, nên tìm hiểu thông tin rõ ràng về công ty như: tư cách pháp nhân, giấy phép kinh doanh... để tránh bị lợi dụng.

TRUNG CANG