Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược trong các thời kỳ cách mạng của Đảng và Nhà nước.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược trong các thời kỳ cách mạng của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc cải thiện đời sống nông dân, phát triển nông nghiệp là việc cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong xã hội.
Trên thực tế, đời sống phần lớn nông dân vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, nhà cửa tạm bợ... Nguyên nhân tình trạng này, về khách quan là do một số vùng nông thôn có địa hình chia cắt, đất đai không màu mỡ, thiên tai, địch họa còn nhiều, gây ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất của nông dân. Về chủ quan, cơ sở hạ tầng ở nông thôn chưa được xây dựng đồng bộ. Việc huy động vốn để tăng gia sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Nông dân nhiều nơi sống bám víu bằng nghề truyền thống lạc hậu, chưa đầu tư cải tiến công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chưa có định hướng lâu dài trong phát triển, tay nghề chưa được đào tạo.
Để giúp người nông dân phát triển nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, nâng cao đời sống, các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân ở địa phương phải quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Chẳng hạn, Hội Nông dân cơ sở phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi để nông dân tham gia và trở thành động lực quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; tổ chức cho nông dân, hội viên, cán bộ tham gia học tập kinh nghiệm xây dựng trình diễn mô hình cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới có hiệu quả lâu bền. Bên cạnh đó, tập huấn, đào tạo cho nông dân, cán bộ quản lý về kỹ năng, kiến thức, kỹ thuật để họ đủ năng lực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ cơ sở, nhân rộng những gương điển hình hộ nông dân làm ăn giỏi. Thực tế, thời gian qua cũng đã có nhiều hộ nông dân ở các địa phương đạt kết quả khả quan khi thực hiện các loại mô hình này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng cường thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng mới và sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, cùng với đó là các biện pháp đột phá cho cả lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (tùy địa hình của từng vùng); giúp nông dân quy hoạch, điều chỉnh cải tạo các mùa vụ trên đất màu phù hợp. Nhà nước cũng cần xây dựng các khu chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo đầu ra cho nông dân; quy hoạch chuyển đổi đất đai, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ưu tiên thực hiện sớm để nông dân được ổn định, yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, quan tâm giúp nông dân được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp và thời gian lâu dài để tăng gia sản xuất hoặc thành lập cơ sở phân xưởng, trang trại chế biến, sản xuất kinh doanh. Các cấp, ngành cần hỗ trợ kinh phí cho nông dân khi chuyển đổi nghề nghiệp; có sự liên kết, phối hợp với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các nhà khoa học để hướng dẫn, giúp đỡ hộ nông dân về kỹ thuật, phát triển ngành nghề, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, trường học, trạm y tế...; quan tâm hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
NGUYỄN GIÀU