Khi nói về giới trẻ là nói về một thế hệ đầy sức sống, sự nhiệt huyết, nguồn lực mạnh mẽ để phát triển xã hội. Giới trẻ ngày nay phần đông là những người năng động, có kiến thức, sống có hoài bão và lý tưởng, không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước.
Khi nói về giới trẻ là nói về một thế hệ đầy sức sống, sự nhiệt huyết, nguồn lực mạnh mẽ để phát triển xã hội. Giới trẻ ngày nay phần đông là những người năng động, có kiến thức, sống có hoài bão và lý tưởng, không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước. Dưới góc độ ứng xử, nhìn chung, họ có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc, có trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa.
Đối với bản thân, họ không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc. Hiện tượng các bạn trẻ, thậm chí là học sinh trung học cơ sở văng tục, chửi thề; ngang nhiên vi phạm luật giao thông; có thái độ không đúng mực với người lớn tuổi; hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... diễn ra khá phổ biến.
Một lần, tôi đi xe buýt (trên xe thường có một bảng ghi chú ở đầu xe với một số nội dung, trong đó có việc thanh niên nhường chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có thai, người tàn tật,…). Do cũng lên từ đầu bến nên tôi có một chỗ ngồi giữa xe, ngồi ngoài tôi là một sinh viên trường cao đẳng. Đi được một đoạn thì có một bà cụ lên xe nhưng không còn chỗ ngồi, cậu sinh viên ngồi ngoài ngồi im. Thấy thế, tôi nhường chỗ cho bà cụ, bà cảm ơn tôi và ngồi vào chỗ của tôi. Tôi nghĩ chắc cậu sinh viên thấy tôi xử sự như thế sẽ ngượng lắm, nhưng tôi đã nhầm, vì khi xe đi đến điểm dừng tiếp theo, lại có một phụ nữ mang thai bước lên. Chị này loay hoay mãi mà không có chỗ ngồi. Tôi nói với cậu sinh viên đứng dậy nhường chỗ cho người phụ nữ đó nhưng cậu sinh viên đó nói: “Ai lên trước thì ngồi”. Tôi bảo rằng, tại sao tôi cũng lên trước nhưng tôi đã nhường chỗ rồi, có sao đâu, cậu ta trả lời: “Chú nhường là việc của chú”. Mọi người trên xe buýt lắc đầu ngao ngán. Tôi cũng lấy làm hổ thẹn cho một sinh viên, là giáo viên tương lai, người mai sau sẽ dạy cho học sinh cách ứng xử.
Lần khác, tôi đang đi xe máy trên đường, một cô bé mang áo học thể dục có dòng chữ Trường PTTH H., vượt xe qua đèn đỏ một cách rất ngang nhiên. Thấy thế, tôi đi tới gần bảo: “Sao học sinh mà vượt đèn đỏ cháu?”. Cô bé ném vào mặt tôi một câu: “Kệ người ta, vô duyên!”. Tôi thật không biết nói thêm điều gì nữa với cách phản ứng thiếu văn hóa đó.
Đó là chưa đến kể chuyện nhiều thanh niên vô tư “giải quyết nỗi buồn” ở những nơi công cộng; chuyện rú ga đến kinh sợ trước cổng bệnh viện, trường học, chuyện bấm còi toe toe; bắt chước các kiểu tóc, trang phục của những người nổi tiếng (mà quên mất mình đang là học sinh)… Và còn rất nhiều những câu chuyện khác về văn hóa ứng xử của giới trẻ khiến người lớn thật sự lo ngại.
Trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên đáng kể, chúng ta có điều kiện giao lưu văn hóa với các vùng miền, khu vực trên thế giới. Đó là điều kiện để chúng ta mở rộng kiến thức, văn hóa nhưng cũng cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Hành vi ứng xử văn hóa của tuổi trẻ được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ thể hiện thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của mỗi cá nhân với những người chung quanh. Việc giáo dục hành vi ứng xử có văn hóa cho giới trẻ cần được quan tâm đúng mức. Chúng ta phải thực hiện ngay từ trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
NGUYỄN VĂN THANH