Trong một thời gian tương đối dài, Khánh Hòa là địa phương ít xuất hiện dịch cúm gia cầm. Chính điều này đã khiến người dân có tâm lý chủ quan, ít quan tâm đến dịch bệnh này...
Trong một thời gian tương đối dài, Khánh Hòa là địa phương ít xuất hiện dịch cúm gia cầm (CGC). Chính điều này đã khiến người dân có tâm lý chủ quan, ít quan tâm đến dịch bệnh này...
Hiện nay, dịch CGC đang có chiều hướng bùng phát trở lại; việc vận chuyển, mua bán gia cầm cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Mới đây, ngành Thú y thị xã Ninh Hòa đã phát hiện và tiêu hủy gần 500 con gà bệnh của gia đình ông Trần Minh Trình (trú tại thôn Tân Khuê, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa). Sau đó, cơ quan chức năng đã gửi mẫu bệnh phẩm tới Phân viện Thú y miền Trung để xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính với CGC. Lập tức, ngành Thú y tỉnh và thị xã Ninh Hoà chuẩn bị gần 2.000 lít bencocid để sát trùng chuồng trại; triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng ổ bệnh; vận động hộ chăn nuôi tham gia phòng, chống bệnh CGC, tiêm phòng vaccine cho gia cầm trong tháng 4.
Trong khi cơ quan chức năng như ngồi trên đống lửa thì người dân vẫn bàng quan. Một số người còn cho rằng, công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm của riêng chính quyền. Trên địa bàn toàn tỉnh, vẫn thấy người dân vô tư mua bán, giết mổ, sử dụng các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Tại một số chợ đầu mối, đặc biệt là các khu chợ nhỏ, chúng tôi chứng kiến hoạt động mua bán gia cầm diễn ra nhộn nhịp. Nhiều người dân vẫn bày bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Nếu có ai đó bày tỏ lo ngại về dịch bệnh gia cầm thì các tiểu thương sẽ lập tức dùng những lời lẽ “lạc quan” để trấn an khách hàng. Tại các chợ trong TP. Nha Trang, tình trạng giết mổ, mua bán gia cầm không có dấu kiểm dịch diễn ra công khai ngay trên vỉa hè, dưới lòng đường... Việc giết mổ được thực hiện bằng… tay trần. Gà, vịt sau khi giết thịt, được bày trên bàn, không hề có đồ che đậy.
Chợ đã vậy, tại các quán nhậu gà, vịt, tình trạng cũng chẳng khá hơn. Vòng qua một số quán ăn trong TP. Nha Trang, chúng tôi chứng kiến nhiều quán làm thịt gia cầm ngay trong khu vực nấu ăn mà không hề sử dụng bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Sau khi làm xong, toàn bộ nước thải chảy lênh láng ra nền và trôi xuống cống thoát nước…
Tình trạng mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch trên địa bàn tỉnh hiện không hiếm. Một cán bộ làm trong ngành Thú y từng chia sẻ: “Khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi về tận hộ chăn nuôi để khuyến cáo, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch thì bị dân la lối, làm khó. Thậm chí, những vấn đề mà cán bộ tuyên truyền, người dân cũng để ngoài tai”. Chia sẻ này phần nào cho thấy nhận thức của một số hộ chăn nuôi ở Khánh Hòa chưa cao. Không ít hộ chăn nuôi còn cố tình giấu chuyện gia cầm bệnh, hoặc bán tháo gia cầm khi có dịch; không chú trọng thay đổi tập quán, kỹ thuật nuôi, chưa có ý thức bảo vệ môi trường... Trong khi đó, gia cầm mắc bệnh và chết, không chỉ hộ chăn nuôi thiệt hại mà còn có nguy cơ phát tán, lây lan mầm bệnh cho các hộ chăn nuôi khác, kéo theo thiệt hại cho cộng đồng.
Để phòng chống dịch CGC, cần sự chung tay của cả cộng đồng; trong đó, cốt lõi là thay đổi nhận thức của người chăn nuôi và người kinh doanh, chế biến gia cầm. Bên cạnh đó, dù các cấp chính quyền có nỗ lực hết mình để kiểm soát, khống chế dịch CGC, nhưng nếu người dân vẫn đứng ngoài cuộc, không chủ động phối hợp phòng chống dịch, thì khó mà đạt được hiệu quả cao.
LÂM ANH