Từ khi biết con mình ghiền trò chơi điện tử, gia đình tôi đã dùng mọi biện pháp, từ khuyên nhủ, bảo ban nhẹ nhàng cho đến những “biện pháp mạnh”.
Từ khi biết con mình ghiền trò chơi điện tử, gia đình tôi đã dùng mọi biện pháp, từ khuyên nhủ, bảo ban nhẹ nhàng cho đến những “biện pháp mạnh”. Nhưng tất cả đều không mang lại hiệu quả như mong đợi. Cùng với gia đình, nhà trường và xã hội cũng đã dành không ít sự quan tâm đến lĩnh vực này. Nhưng có thể nói, một trong những vấn đề then chốt là công tác quản lý các đại lý cung cấp dịch vụ Internet chưa thật chặt chẽ. Không ít đại lý mở cửa 24/24 giờ, trái với quy định của pháp luật, nhưng chưa được xử lý kiên quyết.
Cũng như nhiều gia đình khác, mỗi ngày, tôi chỉ có thể dành vài giờ cho con. Bởi vậy, khi có những giấy mời từ nhà trường về việc cháu sa sút trong quá trình học tập, từ chỗ học hành thuộc dạng khá, bắt đầu xuất hiện những điểm kém, bỏ tiết học thường xuyên hơn và quá trình học tập tụt dốc dần, tôi rất lo lắng.
Tệ hại hơn, từ một cậu bé ngoan ngoãn, lễ phép, con tôi ngày càng trở nên ương bướng, ngang ngạnh hơn. Không chỉ nói dối thường xuyên, dễ dàng nổi nóng với bất cứ ai, thậm chí cháu còn nhiều lần ăn cắp tiền trong gia đình. Nguy hơn, một vài lần, tôi tìm lên phòng ngủ thì chẳng thấy con, liên lạc cho bà con, bạn bè, thầy cô đều bặt vô âm tín. Cả nhà đi tìm nháo nhác tới sáng mới thấy thằng nhỏ trở về trong bộ dạng đờ đẫn, mệt mỏi. Biện pháp “giam lỏng” trong nhà khi đêm về cũng chỉ áp dụng được một thời gian ngắn. Khi “cơn ghiền” đã trỗi dậy, con tôi không ngại leo cửa, trèo tường để trốn đi cho bằng được.
Sau bao đêm lang thang tìm con khắp các “hang cùng ngõ hẻm”, tôi nhận ra lệnh cấm mở cửa sau 23 giờ đối với các tiệm dịch vụ Internet có cung cấp trò chơi điện tử dường như không được thực hiện nghiêm túc. Nhiều nhất vẫn là ở Nha Trang. Có hàng chục tiệm “net” cho khách hàng chơi xuyên đêm. Nhiều lần tìm con, tôi bắt gặp không ít bậc cha mẹ cũng mất ăn mất ngủ như tôi. Khó nhất là khi phát hiện một địa điểm chơi, thì lần sau, đến đó tìm, con mình đã chuyển sang chỗ khác chơi. Lại mất rất nhiều công sức để tìm ra địa điểm mới. Bề ngoài, tất cả các tiệm dịch vụ Internet đều đóng cửa đúng giờ, nhưng thực tế chỉ là tắt đèn và cho khách chơi bên trong, thoáng nhìn bên ngoài không dễ phát hiện. Tuy vậy, cũng không mất quá nhiều thời gian để “điểm danh” những tiệm phục vụ khách hàng 24/24 giờ. Nhưng không hiểu sao các tiệm này chưa bị xử lý, hoặc bị xử lý nhưng lại với hành vi vi phạm khác. Còn “tội danh” đóng cửa quá giờ quy định gần như còn bị bỏ ngỏ.
Chúng tôi được biết cả nước hiện có hơn 10 triệu người chơi game online trong số khoảng 20 triệu người sử dụng Internet. Nghiện game online đang là vấn đề “nóng” của xã hội. Những hệ lụy từ thế giới ảo này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không chỉ tốn tiền, mất sức, chơi game quá độ còn gây rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, trở nên hung hãn, thờ ơ… Nhiều bạn trẻ còn không phân biệt được cuộc sống thực tại và thế giới ảo, từ đó có những cái nhìn, suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành động sai, thậm chí là phạm pháp với mức độ rất nguy hiểm.
Cần nhắc lại, đây là những trường hợp đã thuộc vào dạng “nghiện game”. Họ chơi thâu đêm suốt sáng và chủ yếu chơi ngoài tiệm. Khả năng “cày” game của các game thủ Việt Nam đã được cả thế giới công nhận và nể phục!! Nghe đâu, có một game xuất phát từ Trung Quốc, trong khi người bản địa phải mất hơn 3 tháng mới đạt hết cấp độ, thì game thủ Việt Nam chỉ mất 1/6 số thời gian ấy! Game thủ Việt không còn coi đây là một trò chơi, giải trí đơn thuần, mà đã “sống chết” với nhân vật trong game. Khi gia đình đã gần như bất lực, nhà trường và xã hội cũng chỉ giới hạn phần nào, biện pháp giới hạn giờ chơi vẫn được coi là khả dĩ nhất. Nó được cụ thể hóa trong các quy định về giờ chơi trong game và giờ đóng, mở cửa đối với các đại lý cung cấp dịch vụ này. Cụ thể, các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet có cung cấp dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử không để khách hàng sử dụng ngoài giờ quy định (từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau).
Qua tìm hiểu, hầu như năm nào cũng có các đoàn thanh tra của tỉnh, của địa phương kiểm tra các đại lý Internet trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng hành vi vi phạm bị phát hiện thường là các đại lý không lưu trữ thông tin khách hàng, không có phần mềm quản lý… Rất ít trường hợp bị phát hiện về vi phạm giờ đóng cửa. Một trong những căn nguyên là việc kiểm tra hàng trăm lượt đại lý Internet trong 1 năm trên tổng số khoảng 600 đại lý Internet trong toàn tỉnh, đều chủ yếu thực hiện vào ban ngày, nên không thể phát hiện được các tiệm này thực hiện nghiêm túc quy định giờ đóng cửa hay không. Chính vì thế, vi phạm này gần như bị bỏ ngỏ.
Không thể phủ nhận phần trách nhiệm từ chính người chơi, người thân, gia đình, nhà trường…, nhưng một khi quá trình quản lý chặt chẽ hơn, hoạt động chơi game online thâu đêm suốt sáng chắc chắn cũng được hạn chế.
H.Đ