Từ 20-12-2011, giá điện lại tăng. Điều mà nhiều người dân quan tâm là mức tăng giá điện sinh hoạt như thế nào?
Từ 20-12-2011, giá điện lại tăng. Điều mà nhiều người dân quan tâm là mức tăng giá điện sinh hoạt như thế nào? Có ảnh hưởng gì nhiều đến mức chi tiêu của gia đình? Theo biểu giá mới vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ tăng nhẹ và không quá ảnh hưởng đến “túi tiền” của các hộ gia đình. Tuy nhiên, đằng sau việc tăng giá này vẫn có nhiều điều đáng suy nghĩ…
Theo Thông tư số 42 của Bộ Công Thương vừa ban hành quy định về giá bán điện, áp dụng từ 20-12-2011, giá bán điện vẫn được tính lũy tiến, phụ thuộc vào mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình như Thông tư 05 ngày 22-3-2011 quy định về giá bán điện năm 2011. Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 7 mức như cũ. Hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng dưới 50kWh vẫn giữ nguyên mức 993 đồng/kWh. Dưới 100kWh vẫn giữ nguyên mức giá 1.242 đồng/kWh. 50KWh tiếp theo, giá là 1.369 đồng/kWh, tăng 65 đồng. 50KWh tiếp theo giá điện là 1.734 đồng, tăng 83 đồng. Từ 200 - 300kWh, có giá 1.877 đồng, tăng 89 đồng. Từ trên 300 - 400kWh và trên 400kWh, giá điện lần lượt là 2.008 và 2.060 đồng, tăng 96,98 đồng/kWh.
Mức tăng như trên là không đáng kể đối với các hộ sử dụng điện ở mức trung bình. Nếu một hộ gia đình thường xuyên sử dụng khoảng 400 kWh điện/tháng thì mức tăng cũng chỉ thêm khoảng 25 ngàn đồng. Sử dụng ít hơn thì mức tăng cũng ít theo. Cho nên, mức tăng này cũng không quá ảnh hưởng đến quỹ chi tiêu của các hộ gia đình.
Tuy vậy, một số người đã tự hỏi: “Vì sao phải tăng giá?”. Vấn đề này, các cơ quan báo chí cũng đề cập nhiều và ngành Điện lực cũng đã giải thích nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu chính xác. Lý do mà ngành Điện đưa ra là giá bán điện hiện nay thấp hơn giá sản xuất nên ngành bị lỗ nặng. Điện là mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến cả nền kinh tế nên Nhà nước luôn phải điều tiết ở mức thấp để đảm bảo các mục tiêu kinh tế và dân sinh. Vì thế, việc ngành Điện phải bán điện giá thấp và không đưa yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu là điều dễ hiểu. Việc ngành Điện bị lỗ trong kinh doanh là điều cần thông cảm. Hiện, giá bán điện của nước ta đúng là thấp so với khu vực và thế giới. Vì thu nhập của người dân còn thấp nên Nhà nước phải điều chỉnh giá điện cho phù hợp. Tuy nhiên, điều đó lại khiến các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Việt Nam để đầu tư những ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều điện năng. Giá điện rẻ khiến họ chi phí sản xuất thấp và tăng lợi nhuận. Chính những đơn vị sản xuất này mới tiêu tốn nhiều điện năng và gây ra tình trạng thiếu điện, trong khi điện cho sinh hoạt không chiếm tỷ trọng lớn trong lượng điện tiêu thụ.
Một nguyên nhân nữa là do các hoạt động đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất điện năng của ngành này. Theo thông tin mà các cơ quan báo chí đã đưa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị thua lỗ trong kinh doanh viễn thông, tài chính, bất động sản… nhưng cụ thể bao nhiêu thì không rõ và được tính chung với khoản lỗ trong kinh doanh điện.
Mặt khác, tuy doanh nghiệp ngành Điện kêu lỗ nhưng mức lương bình quân của cán bộ ngành này lại rất cao. Dĩ nhiên, đại đa số nhân viên hay công nhân không có mức lương ấy mà chủ yếu là các cán bộ chủ chốt nắm vị trí quan trọng và khối hành chính “ngồi mát ăn bát vàng”. Tuy chưa có kết luận chính thức nhưng mức lương ấy cho thấy có khả năng việc trả lương như thế là trái với quy định hiện hành về lương của Nhà nước.
Những bất cập trên cho thấy, việc ngành Điện thua lỗ một phần do chính sách chung của Nhà nước, một phần do yếu kém trong quản lý của tập đoàn. Số vốn mà ngành Điện bỏ ra để đầu tư ngoài ngành là rất lớn (gấp gần 4 lần vốn hiện có) và vượt mức mà Chính phủ cho phép (tối đa 3 lần), trong khi hiệu quả lại thấp. Nó còn khiến ngành Điện thiếu hụt vốn khi triển khai các công trình lớn của ngành. Việc trả lương quá cao cũng khiến các khoản lỗ tăng đáng kể. Và đúng thời điểm dư luận đang bức xúc chuyện lỗ lãi của các tập đoàn (trong đó có Điện lực) thì ngành Điện lại tăng giá.
Tuy mức tăng lần này không lớn với từng hộ gia đình, nhưng người dân băn khoăn, liệu 100% khoản tiền phải trả do tăng giá điện có phải để bù lỗ vì phải thực hiện chính sách kinh tế dân sinh của Nhà nước hay để bù lỗ phát sinh từ những yếu kém của ngành Điện? Tất nhiên, tăng giá điện là điều đặng chẳng đừng, nhưng Nhà nước cần có điều chỉnh hợp lý để cân bằng giữa yêu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu bảo đảm dân sinh và lợi ích của ngành Điện. Sự kiện này còn đặt ra vấn đề tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả của các tập đoàn lớn, sao cho đó phải thực sự là những “đầu tàu” kéo nền kinh tế phát triển chứ không phải là gánh nặng của xã hội.
QUANG LONG