05:12, 06/12/2011

Thấy gì từ những lít “xăng dỏm” ở vỉa hè?

Hiện nay, trên đường phố Nha Trang xuất hiện những tụ điểm bán xăng lẻ A92 nhưng lại có giá chỉ 20 nghìn đồng/lít, thấp hơn so với giá ở các điểm bán xăng của các doanh nghiệp xăng dầu.

Hiện nay, trên đường phố Nha Trang xuất hiện những tụ điểm bán xăng lẻ A92 nhưng lại có giá chỉ 20 nghìn đồng/lít, thấp hơn so với giá ở các điểm bán xăng của các doanh nghiệp xăng dầu. Điều này đặt ra câu hỏi nguồn gốc loại xăng này ở đâu, chất lượng thế nào để từ đó thấy được những bất cập trong vấn đề quản lý xăng dầu…

Thông thường, các cây xăng lẻ phải lấy xăng từ các đại lý bán xăng hay thường gọi là “cây xăng”. Do giá của mỗi lít xăng A92 đã hơn 21.000 đồng nên khi bán lẻ, người bán phải bán với giá cao hơn, thường là 25.000 đồng/lít mới có lời. Thế nhưng, những cây xăng lẻ này lại chỉ bán 20.000 đồng/lít nên rõ ràng loại xăng này có vấn đề. Theo lý giải của cán bộ thị trường và giải thích của người bán thì đây là xăng mà họ mua được từ các tài xế xe bồn “ăn bớt” xăng trên xe của mình. Lý giải này thuyết phục được người mua và cũng khiến họ yên tâm vì đang được sử dụng đúng loại xăng A92 lại vừa tiết kiệm được một khoản tiền. Nhưng nếu đúng đây là loại xăng ăn cắp thì rõ ràng, những người tiêu dùng đã tiếp tay cho những hành vi phạm pháp. Đồng thời, điều đó cũng đặt ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý về xăng dầu.

Tuy nhiên đó chỉ là lý giải của họ chứ chưa có gì chắc chắn, bởi có rất nhiều địa điểm bán xăng lẻ trong thành phố. Nếu là xăng ăn cắp, tại sao lại được bày bán công khai, rộng rãi cho nhiều nơi như thế? Giá cả hàng hóa luôn phải tuân theo quy luật thị trường. Trong cùng một điều kiện thì hàng tốt phải đắt hơn hàng kém chất lượng. Do đó, có thêm khả năng loại xăng trên không đúng chất lượng A92 nhưng bán theo mác xăng A92 và người tiêu dùng đã bị “móc túi” do tâm tý hám rẻ.

 

Như vậy, dù khả năng nào đi nữa, vấn đề kiểm định chất lượng, xác định nguồn gốc của các loại hàng hóa đó cũng là điều cần phải làm. Rồi đây các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề trên. Tuy nhiên, việc người dân chấp nhận dùng xăng không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng để giảm bớt chi phí sinh hoạt cũng là điều đáng suy nghĩ.

Thời gian qua, ở cấp vĩ mô, các ngành quản lý đã có những động thái tích cực để làm rõ giá xăng dầu nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Đối với người dân, điều mà họ quan tâm nhất là làm sao giá cả phải hợp lý và phù hợp với thu nhập. Ai cũng biết, xăng dầu từ lâu đã là mặt hàng đặc biệt, được giao độc quyền cho doanh nghiệp (DN) Nhà nước. Tất nhiên, tình trạng độc quyền sẽ dẫn đến thiếu cạnh tranh và thiếu minh bạch. Xét về mặt chức năng, DN được Nhà nước giao quyền kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm an ninh xăng dầu về mặt chiến lược, tức là hoạt động của DN này phải phục vụ cho lợi ích của số đông. Tuy nhiên, trên thực tế thì DN này lại hoạt động thiếu minh bạch, lúc cần thì nói lãi để mọi người yên tâm về năng lực quản lý của lãnh đạo nhưng khi khác thì báo lỗ để được hưởng quyền lợi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Giá cả được tính bằng các công thức toán học mù mịt khiến người dân không hiểu. Cho nên, mới có tình trạng giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng theo nhưng khi thế giới giảm giá mà giá xăng trong nước vẫn ở mức cũ, hoặc giảm không đáng kể. Khoảng chênh lệch khổng lồ đó, cả xã hội phải gánh chịu.

Việc độc quyền nhiều khi bỏ qua lợi ích chung. Còn nhớ, năm 2006 báo chí đưa tin rầm rộ về việc một hãng kinh doanh xăng dầu của Úc chào bán cho Việt Nam loại xăng dầu chất lượng quốc tế nhưng giá rẻ. Tuy xã hội được lợi rất nhiều nhưng các DN ở Việt Nam không đồng ý (vì một số vướng mắc về mặt thủ tục). Sau này, các chuyên viên nghiên cứu đã chỉ ra rằng bỏ qua cơ hội đó, chúng ta mất khoảng 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Khi xăng dầu trở nên “nóng”, vấn đề trên mới được làm rõ. Thì ra, vì Nhà nước có chính sách bù lỗ xăng dầu nên các DN chỉ muốn nhập xăng dầu giá cao. Khi giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, Nhà nước hạ thuế suất (nhiều khi bằng 0), các DN rất “khỏe”, lời thì hưởng mà lỗ thì Nhà nước, người dân chịu. Còn nếu nhập xăng giá rẻ, vừa bị Nhà nước đánh thuế cao vừa ít lời lại lắm rủi ro. Bởi thế, chúng ta có thể hiểu câu chuyện lỗ lãi của ngành xăng dầu tại sao lại khó giải trình thế.

Trước thông tin sắp đến đây, một số mặt hàng thiết yếu lại tiếp tục tăng giá, người dân mong muốn Nhà nước sớm có những biện pháp mạnh để cải tổ những tập đoàn kinh tế lớn nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân. Những câu chuyện về xăng dầu, than, điện, nước bộc lộ rõ những yếu kém trong công tác quản lý. Không thể cứ để xã hội phải gánh chịu những chi phí bất hợp lý vì cơ chế đôc quyền.

QUANG LONG