03:11, 18/11/2011

Đạo thầy trò sống mãi với thời gian

Truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” được vun trồng từ hàng ngàn năm của dân tộc đã thấm sâu vào tâm thức của mỗi người Việt Nam.

Truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” được vun trồng từ hàng ngàn năm của dân tộc đã thấm sâu vào tâm thức của mỗi người Việt Nam. Ông cha ta đã đề cao vai trò người thầy theo vị trí “quân, sư, phụ”, thầy đứng sau Vua, trước cha vì sự nghiệp khai sáng con người. Kính thầy là phong tục có tính nhân văn. Dân gian có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, đó là nét đẹp trong tâm hồn học trò vì “Không thầy đố mầy làm nên”.

Trong đời, ai chẳng có lúc nhớ đến một vài thầy cô giáo, những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò của mình và thầy nào cũng có lúc nhận được thư, điện thoại của học trò cũ 30, 40, 50 năm trước! Ai đã từng đi học trước Cách mạng Tháng Tám đều thuộc lòng bài tập đọc “Học trò biết ơn thầy” trong sách Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị. “Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua trường học quê làng, trông thấy thầy dạy mình lúc bé, bấy giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới có sự nghiệp ngày nay”.

Trong đời sống thực tế, quan hệ của xã hội đương thời đòi hỏi thầy và trò ứng xử thích hợp với hoàn cảnh mới, thích hợp với đạo lý và tình cảm con người. Năm 1947, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kinh lý các tỉnh Liên khu 5 gặp cụ Phó bảng Đào Phan Duân tại huyện đường Phù Cát - Bình Định. Quyền Chủ tịch nước giới thiệu với mọi người rằng: “Cụ Đào với tôi là đạo thầy trò, vì vậy nhân dịp đến với tỉnh nhà, tôi phải được thăm thầy”. Trong suốt cuộc gặp ấy, cụ Đào thì ngồi còn cụ Huỳnh thì đứng mãi bên cạnh hầu chuyện, một lời thưa thầy, hai lời thưa thầy.

Tháng 5-2011, được tin thầy giáo Đoàn Duy Xuân, giảng viên dạy sử của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang qua đời, Thiếu tướng Lê Văn Tấn công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, học trò cũ của thầy Xuân ở Trường cấp 3 Lý Tự Trọng - Hà Tĩnh những năm 1959, đã từ Hà Nội vào Nha Trang cùng với bạn bè học thầy Xuân từ Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang chủ động thành lập Ban tổ chức lễ tang, túc trực bên linh cữu thầy và tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng với 200 vòng hoa chất đầy tình thương trên 2 xe tải với lời ai điếu: “Nhớ thầy xưa, sống một đời giản dị, khiêm tốn... thầy chỉ là giáo viên dạy sử cấp 3 và cao đẳng nhưng trí tuệ uyên thâm mà danh vọng không màng...”. Rõ ràng, đây là những lời tâm huyết thể hiện sự biết ơn của trò với thầy, nêu gương tốt với thế hệ học trò sau.

Mới đây, nhân 65 năm ngày thành lập Trường Lương Văn Chánh, Phú Yên (15-10-1946 - 15-10-2011), học trò cũ - Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Kháng (Nha Trang) đã đưa xe đón thầy giáo N.M về TP. Tuy Hòa dự lễ hội trường và đón hai cô giáo Ngô Thị Nga và Tuyết Trinh gần 90 tuổi vào Nha Trang tham quan, sau đó mua vé tiễn hai cô về TP. Hồ Chí Minh. Thầy cô không mong chờ sự đền đáp. Nhưng những tình cảm vô tư, trong sáng của học trò là quà tặng của cuộc sống, một thứ của để dành về tinh thần đối với thầy cô giáo.

Quan hệ thầy cũ - trò cũ là mối quan hệ trong sáng, thiêng liêng. Hãy giữ lấy mối quan hệ tốt đẹp đó như một vốn quý của đời người. Đạo thầy trò hiện nay có những biến đổi so với trước kia nhưng không mất đi bản chất tốt đẹp từ bao đời. Lâu nay, đạo thầy trò thường chỉ nhấn mạnh khía cạnh trò đối với thầy. Có lẽ phải xem xét đạo thầy trò là mối quan hệ 2 chiều: trò đối với thầy và thầy đối với trò, bởi đạo đức nhân cách của người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành con người ở trò. Đầu tháng 11-2011, bài văn nghị luận với chủ đề: “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống” qua nét bút của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý Trường Trung học Phổ thông Amsterdam - Hà Nội lại đong đầy yêu thương gây xúc động đến thầy cô và bạn bè. Ban Giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Amsterdam đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Chỉ sau 1 tháng, Ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Hiếu số tiền 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, các thầy cô còn trích lương tặng hàng tháng cho em Hiếu 450.000 đồng; thầy Nguyễn Trọng Tuấn - nguyên Hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12… Đó là ân tình của thầy cô giáo đối với học trò.

Những hiện tượng đáng chê trách mà xã hội đang bức xúc về quan hệ giữa thầy và trò chỉ là thiểu số. Dẫu có những thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian, đạo thầy trò về cơ bản vẫn giữ được những giá trị thiêng liêng của nó trong cuộc sống hiện đại. Trong dòng chảy của thời gian, trong sự phát triển của đời sống xã hội, đạo thầy trò vẫn còn mãi mà không mất đi, nghề thầy giáo vẫn là nghề cao quý nhất.

NGUYỄN MINH
(Nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang)