Sáng sớm uống cà phê vỉa hè ở Nha Trang, nhìn từng tốp học sinh đến trường, anh bạn giáo viên bày cho chúng tôi cách nhận ra học sinh của từng trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố: Áo màu trắng, quần xanh lá cây là học sinh Trường Chu Văn An, áo vàng, quần sẫm....
Sáng sớm uống cà phê vỉa hè ở Nha Trang, nhìn từng tốp học sinh (HS) đến trường, anh bạn giáo viên bày cho chúng tôi cách nhận ra HS của từng trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố: Áo màu trắng, quần xanh lá cây là HS Trường Chu Văn An, áo vàng, quần sẫm - Nguyễn Thiện Thuật, áo xanh thanh niên - Lý Tự Trọng… Nhưng “nhận diện” HS tiểu học thì anh cũng đành chịu vì mỗi trường mỗi kiểu: trên nền xanh - trắng truyền thống đã có từ lâu, nay lại điểm thêm vài đường khác màu trên nẹp quần, nẹp áo cho… không giống trường khác; đã có trường còn tiên phong đổi mới đồng phục học sinh (ĐPHS) với kiểu quần hoặc váy kẻ ca-rô. Đồng phục học thể dục thể thao lại càng “trăm hoa đua nở”, không trường nào giống trường nào; thậm chí, có trường còn mỗi năm một kiểu! Đó là chưa kể các kiểu bảng tên, logo đa dạng trên ĐPHS. Chưa biết tính mỹ thuật, biểu trưng ra sao nhưng trước hết đã thấy tăng thêm phần tốn kém cho các gia đình HS!
Trong các đơn thư phản ánh, khiếu nại của phụ huynh HS gửi đến các cấp quản lý giáo dục, ĐPHS là vấn đề bị kêu ca khá nhiều. Đặc biệt, từ đầu năm học 2011-2012, phong trào này lan khá nhanh tới nhiều địa phương trong tỉnh, kể cả các vùng nông thôn - nơi đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do “cơn bão” lạm phát hiện nay. Có trường còn quy định các “phụ kiện” đi kèm ĐPHS như giày vải, cặp sách phải màu đen…, khiến túi tiền vốn ít ỏi của các bậc phụ huynh lại càng bị “lõm” thêm. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: liệu quy định về ĐPHS của các trường hiện nay có mang lại hiệu quả gì không về chất lượng giáo dục, hay là chỉ thêm phiền hà, tốn kém, chạy vạy vất vả cho các gia đình nghèo. Thậm chí, có người còn nghi ngờ về động cơ của các nhà trường khi quá “nhiệt tình” với ĐPHS!
Về lý, đúng là Sở và các Phòng Giáo dục và đào tạo không có quyền can thiệp vào vấn đề ĐPHS ở từng trường vì theo Điều lệ trường phổ thông hiện hành, hiệu trưởng có quyền quy định mẫu ĐPHS sau khi trao đổi thống nhất với Ban đại diện Hội Cha mẹ HS và điều này đã được nhiều thầy cô hiệu trưởng cẩn thận ghi vào nghị quyết liên tịch giữa trường và Hội đầu năm. Tuy vậy, người ta vẫn tự hỏi, liệu tiếng nói của các vị trong Ban đại diện có đúng với nguyện vọng của đa số phụ huynh HS đang vất vả mưu sinh và liệu các hiệu trưởng có biết nhiều học trò nghèo của mình đang phải mặc lại quần áo cũ của anh chị mình để đến trường?
Trao đổi về ĐPHS với các thầy cô hiệu trưởng, nhiều vị đã viện dẫn các lý do rất xác đáng về quyền chủ động, sáng tạo của các trường học, vốn được đảm bảo trong các văn bản pháp luật và cũng đang là trào lưu đổi mới giáo dục hiện nay để cho rằng, ĐPHS cũng là một trong những biện pháp xây dựng và thể hiện “thương hiệu” của mỗi trường. Mục đích tốt đẹp và mang tính chiến lược ấy rõ ràng không có gì phải bàn luận, nhưng dân gian ta cũng có câu: “liệu cơm gắp mắm”; các trường phổ thông đại trà, đặc biệt là những trường ở các địa bàn tập trung người lao động nghèo, có nên đi theo con đường xây dựng thương hiệu của các trường quốc tế hoặc các trường phổ thông chất lượng cao tại các đô thị lớn không?
Về phía ngành, thiết nghĩ, không nên để phân cấp quản lý gây nên tình trạng chia cắt thẩm quyền quản lý của Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo, kể cả những việc tưởng chừng rất nhỏ như quy định về ĐPHS. Bởi xét về tầm vĩ mô, những việc thế này cũng góp phần đáng kể vào “đợt sóng” tăng giá tiêu dùng của xã hội thời gian gần đây. Đó là chưa nói đến thực hành tiết kiệm theo quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. ĐPHS cũng phải góp phần thiết thực giữ gìn truyền thống của các nhà trường nói riêng cũng như đặc trưng học đường nói chung, để sao cho những HS đã về già và HS đi xa đất nước, khi nhớ về thời học trò là đều nhớ đến “một thời quần xanh, áo trắng”, thay vì người này nhớ thời “quần nâu, áo vàng”, người kia nhớ thời “quần carô, áo đỏ”! Có lẽ, các cấp quản lý giáo dục Khánh Hòa nên quan tâm hơn đến việc chỉ đạo, định hướng ĐPHS trong thời gian tới, tránh tình trạng “loạn” ĐPHS như hiện nay.
LÊ VĂN