03:09, 22/09/2011

Cần thâm canh hay quảng canh trên “cánh đồng” giáo dục?

Nhìn vào các bảng thống kê hàng năm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hẳn nhiều người sẽ “ngợp” trước những con số rất hoành tráng về quy mô phát triển GD của tỉnh hiện nay như: Huy động 97% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1;...

Nhìn vào các bảng thống kê hàng năm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hẳn nhiều người sẽ “ngợp” trước những con số rất hoành tráng về quy mô phát triển GD của tỉnh hiện nay như: Huy động 97% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; tuyển mới 99% học sinh (HS) tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6, tuyển mới vào lớp 10 đạt từ 80 - 85% thí sinh dự thi; nhiều chỉ tiêu huy động HS các lớp đầu cấp ở miền núi không hề thua kém các huyện đồng bằng… Đó quả thực là những bước tiến lớn của ngành GD-ĐT so với những ngày đầu đất nước được giải phóng, khi quy mô GD vẫn còn rất nhỏ lẻ và mất cân đối nghiêm trọng giữa các vùng miền. Tuy vậy, bức tranh GD-ĐT không chỉ toàn “gam” màu tươi sáng như thế, bởi có nhiều con số về chất lượng, hiệu quả GD khiến người ta phải giật mình!

Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của tỉnh là 96,64% với 12.226 HS thi đỗ, nằm trong tốp đầu của các tỉnh, thành phía Nam. Tuy vậy, nhiều người chưa biết rằng tuy đạt kết quả cao như thế nhưng nếu so với “đầu vào” của 12 năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp này cho biết hiệu quả đào tạo của toàn cấp phổ thông trong 12 năm qua chỉ đạt mức 41,77%; nghĩa là có gần 17.000 HS đã hao hụt dọc đường với nhiều lý do khác nhau song chủ yếu vẫn là “học kém - lưu ban - bỏ học”! Kết quả kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm nay, tỉnh xếp thứ 29/63 tỉnh thành trong bảng tổng sắp điểm trung bình các môn thi của toàn quốc, trong đó có 2 trường được xếp vào “top 200”; nhưng nếu tính từ mức 15 điểm trở lên (nghĩa là 5 điểm/môn thi) chỉ có vỏn vẹn 1 trường là THPT chuyên Lê Quý Đôn và tính từ 13 điểm trở lên (bằng mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT) cũng chỉ có 3 trường là THPT chuyên Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi. Có tới 2/3 số trường, đơn vị đạt mức điểm bình quân dưới 10 điểm và hơn 1/3 số trường chỉ đạt từ 6 - 7 điểm/3 môn thi, nghĩa là mỗi môn chỉ vào khoảng 2 điểm và không hiếm những thí sinh chỉ được 1 - 2 điểm/3 môn thi. Riêng về lĩnh vực GD mũi nhọn, kết quả kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2010 - 2011 sút giảm hơn các năm trước về cả số lượng và chất lượng, kết quả tuyển sinh đại học năm nay lại “mất hút” các danh hiệu thủ khoa trường (chỉ có 2 thủ khoa khối thi với mức điểm khiêm tốn)!

Những con số trên đây phần nào cho thấy nhiều năm qua, dường như tỉnh chỉ mới quan tâm đến “quảng canh” hơn là “thâm canh” trong lĩnh vực GD, cho nên việc phát triển quy mô chưa gắn liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả. Điều này thể hiện rất rõ ở nhiều trường THPT bán công, dân lập hầu như năm nào chỉ toàn HS tốt nghiệp THPT loại trung bình và mỗi năm cũng chỉ được vài em thi đỗ vào các trường đại học tốp cuối. Trong lĩnh vực GD dân tộc, nhận định này lại càng chính xác hơn khi nhìn vào “tháp” phát triển GD dân tộc với cấp tiểu học có 7.731 HS, trung học cơ sở 3.603 HS và lên cấp THPT chỉ có 841 HS. Trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, rất hiếm các em HS là người dân tộc thiểu số tại chỗ trúng tuyển dù được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt và trong nhiều năm liền, Sở GD-ĐT đã không tìm ra được HS đủ tiêu chuẩn cử tuyển theo chỉ tiêu được giao của Bộ GD-ĐT. Nhìn rộng ra trong toàn ngành thì chất lượng, hiệu quả GD phổ thông đại trà cũng có nhiều điều bất cập tương tự như vậy, tất nhiên là ở các mức độ khác nhau.

Khi mục tiêu phổ cập GD đã đạt được ở các giới hạn nhất định thì chất lượng, hiệu quả GD sẽ trở thành mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của ngành GD-ĐT. Với nhiều trường học và các địa phương, xây dựng thương hiệu GD sẽ là nhiệm vụ trọng yếu vì trong thực tế, thương hiệu GD ngày càng thể hiện ý nghĩa to lớn và thiết thực của nó đối với sự phát triển của các nhà trường. Bởi vậy, ở nhiều nơi trong cả nước, các cấp quản lý GD đã chuyển từ “quảng canh” sang “thâm canh” GD, không chỉ về đầu tư các nguồn lực cho các địa chỉ trọng điểm mà còn đi sâu hơn trong việc tăng cường chỉ đạo theo sát đặc điểm của từng vùng miền và loại hình GD; ở những nơi ấy, các cán bộ, chuyên viên của sở và các phòng GD-ĐT không còn ngồi ở văn phòng “chỉ đạo từ xa” mà phải thường xuyên bám cơ sở, lăn lộn với các phong trào, hoạt động của nhà trường để đúc rút kinh nghiệm và trực tiếp giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn GD. Nhiều trường học “khôn ngoan” đã biết “né” các quy định của Bộ GD-ĐT về trường chuyên, lớp chọn; sớm phân luồng HS kết hợp với phân hóa dạy học phù hợp với trình độ của mỗi loại HS ngay từ các lớp đầu cấp, kể cả ở cấp tiểu học. Đây là cách làm đúng vì xét cho cùng, chính đối tượng HS quy định phương pháp giảng dạy của giáo viên và trong thực tế, khó có thầy cô giáo nào có thể cùng lúc dạy tốt cho cả HS giỏi và HS kém, nhất là khi ở cùng 1 lớp với một chương trình, kế hoạch dạy học duy nhất. Chính “đầu ra” của các lớp chọn ở những trường này sẽ là nguồn bổ sung dồi dào, thường xuyên cho các trường chuyên mỗi năm; cho nên không lạ gì khi những địa phương ấy luôn nằm trong “bảng vàng” của các kỳ thi HS giỏi quốc gia và cả quốc tế.

Riêng đối với tỉnh ta, ngành GD-ĐT cần sớm có những thay đổi căn bản trong công tác quản lý, chỉ đạo, trước hết là phải thực sự tập trung toàn lực cho công tác chuyên môn để có thể làm chuyển biến mạnh mẽ hơn chất lượng GD. Đối với các lĩnh vực GD đặc thù, cần tránh các lối mòn để tìm ra những con đường khác hiệu quả hơn như phải có cách làm mới đối với GD dân tộc và phải tìm ra các khâu đột phá trong việc chỉ đạo, giúp đỡ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phát triển ngang tầm với vị trí của tỉnh. Nếu không đặt nặng yêu cầu “thâm canh”, e rằng sự nghiệp trồng người ở tỉnh ta khó có cơ hội khởi sắc trong chặng đường sắp tới!

ĐỖ QUYÊN