uy đến bây giờ, học sinh các cấp mới rục rịch bước vào mùa thi, nhưng ngay từ sau Tết Nguyên đán, ngành Giáo dục và Đào tạo đã bắt tay vào chuẩn bị với vô vàn công việc.
Tuy đến bây giờ, học sinh các cấp mới rục rịch bước vào mùa thi, nhưng ngay từ sau Tết Nguyên đán, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã bắt tay vào chuẩn bị với vô vàn công việc. Để một tờ đề thi đến tay các em thí sinh tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không là người trong cuộc thì không phải ai cũng biết.
Trước hết, ngành GD phải chọn địa điểm đặt hội đồng ra đề và sao in đề thi. Thông thường, đó là một khách sạn hay nhà nghỉ, thuận lợi cho việc bảo vệ an ninh với 3 vòng biệt lập. Trong đó, từ vòng 2 trở vào cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, các cửa kính đều dán giấy kín mít, còn các lỗ thông gió đều được che chắn với lưới ruồi dày đặc. Những người được giao nhiệm vụ làm đề trước khi vào cửa đều bị kiểm tra kỹ lưỡng, tuyệt đối không được mang theo bất kỳ phương tiện thu phát nào; khi có chuyện cần liên hệ với vòng ngoài đều thông qua cuốn sổ trực; bữa ăn hàng ngày đưa vào, đưa ra đều được săm soi kỹ. Một lần xảy ra sự cố có người đau ruột thừa phải mổ cấp cứu ở bệnh viện, lực lượng Công an phải trực 24/24 bên giường bệnh cho đến tận buổi thi cuối cùng. Căng thẳng như thế nên những người đi làm đề hay gọi là “bị nhốt”, chỉ mong đến “giờ G” để Ban chỉ đạo thi đến mở cửa “tháo khoán”! Cho nên, có thể quả quyết rằng không có chuyện lộ đề thi từ khâu này; nếu có lộ hay “xì” đề thì phải ở khâu khác, lúc khác.
Lịch thi tốt nghiệp Trung học phổ thông có 6 môn, còn lịch thi vào lớp 10 chỉ có 3 môn, và có chăng chỉ những người đãng trí mới không nhớ nổi. Nhưng từ sau vụ nhầm môn thi của tỉnh bạn từ 10 năm trước, Bộ GD-ĐT quy định phải dán lịch thi ở nhiều nơi tại hội đồng thi, và cứ mỗi buổi thi, lãnh đạo và thư ký hội đồng đều dò đi dò lại lịch thi nhiều lần cho chắc ăn! Còn để tránh hậu quả đáng tiếc của việc bỏ nhầm đề thi vào bì (đã từng xảy ra) nên có thêm quy định mỗi khi mở bì, giám thị chỉ mở hé một tí để ghé mắt xem có đúng môn thi không mới dám mở bì. Những thầy cô giáo trẻ mới đi coi thi lần đầu không khỏi buồn cười khi chứng kiến những cảnh này nhưng thi cử là chuyện rất quan trọng, phải kỹ càng đến máy móc như vậy.
Từ mấy năm nay, để “Nói không với tiêu cực trong thi cử”, Bộ GD-ĐT tổ chức việc chấm chéo các môn thi tự luận, bài thi tỉnh này lại chuyển đi tỉnh khác chấm. Có năm, bài thi tỉnh ta được chở lên một tỉnh xa ở Tây Nguyên, phải thuê xe đông lạnh cho an toàn. Giữa đường, dừng lại ăn cơm cũng phải có người luôn… dán mắt vào xe. Khổ nỗi đường miền núi lắm đèo dốc quanh co hiểm trở, người đi áp tải bài thi luôn thót tim vì sợ xe cộ hỏng hóc, sự cố giao thông không biết xoay trở ra sao với một đống bài thi như thế. Ngày chấm thi xong, lại một xe đi đón kết quả với đủ thành phần quy định. Người ta cũng góp ý nhiều với Bộ GD-ĐT về vấn đề này nhưng việc thi cử luôn theo nguyên tắc cứng nhắc như thế.
Chuyện phúc khảo bài thi cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt, người rớt thành đỗ đã đành, nhưng cũng có nơi đỗ lại thành rớt. Có những giám khảo thiếu trách nhiệm, chấm bài qua loa, để sót ý làm thiệt cho học sinh mà không hề biết rằng vì thiếu nửa điểm mà lỡ cả cuộc đời. Có tổ vào điểm ghi nhầm từ 10 thành 1 điểm, đến khi có đơn phúc khảo mới phát hiện, nhưng cũng có trường hợp do cẩn thận quá thành chuyện rắc rối: Có bài thi 2 kiểu chữ, vừa nghiêng vừa thẳng nên thanh tra và hội đồng quyết định không chấm vì phạm quy (do 2 người viết); đến khi học sinh giải trình và thực nghiệm trước mắt nhiều người mới biết chỉ có 1 người (do thí sinh này lâu nay có thói quen cứ ngồi thẳng thì chữ thẳng, ngồi nghiêng thì chữ lại nghiêng). Vậy là phải tổ chức hội đồng chấm lại cho chỉ 1 thí sinh; tốn kém, rầy rà nhưng phải như thế mới đảm bảo quy chế thi cử.
Có lẽ nhiều người vẫn chưa biết rằng từ ngày phổ cập điện thoại di động, nó đã đóng góp khoảng 80% biên bản vi phạm quy chế thi mỗi năm, dù buổi thi nào giám thị cũng nhắc nhở đến độ “biết rồi - khổ lắm - nói mãi”. Có nhiều trường hợp “chết oan” vì khi đã làm xong bài, chuẩn bị nộp thì chuông reo, hóa ra là bạn ở nhà táy máy gọi xem có làm bài được không; có em lên nộp bài cho giám thị, rút bút từ túi quần để ký vào bảng ghi tên, ghi điểm nhưng không may điện thoại rớt theo ra ngoài. Tuy không sử dụng, nhưng theo quy chế em này vẫn bị lập biên bản và loại bài thi, uổng công học hành mười mấy năm trời. Mong các bậc phụ huynh, trước khi con đi thi nhớ “tịch thu” giùm “dế” của “quý tử” cho chắc ăn!
ĐỖ QUYÊN