3 tháng nghỉ Hè đối với học sinh, sinh viên là một quãng thời gian khá dài. Vấn đề đặt ra là các em làm gì trong thời gian ấy. Trước đây, đó là vấn đề đơn giản, nhưng khi cuộc sống ngày càng phát triển, đây trở thành một vấn đề xã hội.
3 tháng nghỉ Hè đối với học sinh (HS), sinh viên là một quãng thời gian khá dài. Vấn đề đặt ra là các em làm gì trong thời gian ấy. Trước đây, đó là vấn đề đơn giản, nhưng khi cuộc sống ngày càng phát triển, đây trở thành một vấn đề xã hội.
Trước hết, đối với các em, khi các mặt về tâm lý sinh học, nhân cách chưa thực sự hoàn thiện, mỗi trải nghiệm trong cuộc sống có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai. Vì thế, những hoạt động ngày Hè không chỉ gói gọn trong việc nghỉ ngơi, giải trí hoặc học hành để chuẩn bị cho năm học mới, mà nó còn có ý nghĩa về mặt xã hội, nhất là phải thiết thực đối với bản thân các em.
Nhiều người không hiểu tại sao các hoạt động của mùa Hè xanh tình nguyện hầu như toàn là công việc nặng nhọc đối với sức vóc của sinh viên như đắp đường, bắc cầu, nạo vét kênh rạch, thu hoạch mùa màng… lại có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với các bạn trẻ như vậy? Các chiến dịch Tiếp sức mùa thi cũng vất vả không kém, nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng thức thâu đêm theo các chuyến xe, chuyến tàu; nhiều em còn phải tự bỏ tiền túi đổ xăng làm xe ôm miễn phí chở các sĩ tử đến nhà trọ; vậy nhưng bạn nào cũng tươi cười, phấn khởi tự nguyện nhận mọi việc khó khăn cho mình! Các em HS phổ thông cũng thế, khi tham gia các hoạt động Hè tại địa phương, rất nhiều em đã không kể thời gian say sưa với công việc được giao như giữ gìn trật tự giao thông, tổ chức sinh hoạt cho thiếu nhi, chăm sóc các cụ già neo đơn…
Những năm đầu tiên mới tổ chức hoạt động Hè cho HS (cách đây khoảng 30 năm), ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức rất thành công các cuộc thi tìm hiểu truyền thống cách mạng quê hương; mỗi lần thi có tới 30 - 40 ngàn bài tham gia mà không cần phải kỳ công vận động hoặc đưa vào chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua. Các em HS ngày ấy đã gặp gỡ các cô bác, anh chị là “nhân chứng lịch sử” của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam vừa mới kết thúc chưa lâu để tìm hiểu và viết lại những tấm gương chiến đấu kiên cường, hi sinh dũng cảm của bao anh hùng liệt sĩ ở ngay trên mảnh đất quê hương mình. Sau này, nhiều bài dự thi tốt đã được lựa chọn, biên tập thành 1 tập sách giáo dục truyền thống, và có lẽ nhiều thư viện trường học vẫn còn lưu giữ.
Tất nhiên, hoạt động Hè không thể chỉ là các hoạt động xã hội. Ai cũng biết đặc điểm tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên là ham thích vui chơi; luôn bị thu hút vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, du lịch, dã ngoại; được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu chỉ có vui chơi đơn thuần thì mãi rồi các em cũng chán, cho nên ngay trong các hoạt động có tính chất giải trí, người phụ trách cần phải đổi mới cách làm như tổ chức các hoạt động thể thao giao lưu với trẻ em “Mái ấm”, sinh hoạt văn nghệ với HS làng SOS hoặc tổ chức các chuyến “Về nguồn” để HS đô thị có dịp gặp gỡ, vui chơi với HS nông thôn, được biết thêm bao trò chơi dân gian, bao nét đẹp quê hương… tưởng như chỉ còn trong sách vở.
Mấy năm gần đây, ở nhiều địa phương đang nở rộ các “học kỳ quân đội” bởi đó là một hình thức sinh hoạt Hè mới lạ và có nhiều ý nghĩa trong việc giáo dục, rèn luyện HS. Thực ra còn rất nhiều dạng hoạt động Hè tương tự và không hề kém cạnh về mặt ý nghĩa, tác dụng như đưa HS tham gia một số hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển đảo, rừng ngập mặn, các dự án văn hóa, môi trường cũng như các lễ hội có liên quan đến khai thác thế mạnh du lịch của tỉnh hiện nay… để HS vừa chơi vừa học nhưng có khi bổ ích hơn nhiều so với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường học đang dần bị xơ cứng và nhàm chán hiện nay. Hoạt động Hè thực chất là một hoạt động giáo dục, chịu sự chi phối của tâm lý thanh thiếu nhi nên không thể rập khuôn, máy móc; càng có ý nghĩa sẽ càng thu hút HS hăng hái, sôi nổi tham gia.
ĐỖ QUYÊN