03:05, 17/05/2011

“Sốt” với giá vật liệu xây dựng!

Vài năm trở lại đây, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng liên tục, nhất là những mặt hàng như thép, xi măng. Cơn “sốt” giá vật liệu xây dựng từ đầu năm nay gần như lên đến đỉnh điểm khiến chi phí xây dựng “đội” lên rất cao. Điều này đã khiến việc xây dựng công trình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết…

 
Vài năm trở lại đây, giá vật liệu xây dựng (VLXD) có xu hướng tăng liên tục, nhất là những mặt hàng như thép, xi măng. Cơn “sốt” giá VLXD từ đầu năm nay gần như lên đến đỉnh điểm khiến chi phí xây dựng “đội” lên rất cao. Điều này đã khiến việc xây dựng công trình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết…

Đầu năm 2007, giá VLXD đã có một đợt tăng mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi người dân chưa hết lao đao thì từ đầu năm nay, giá VLXD đã tăng thêm một lần nữa với mức tăng khá cao khiến cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công gặp nhiều cảnh dở khóc dở cười.

Cuối năm ngoái, anh Nguyễn Văn Tuấn - một chủ thầu xây dựng - ký hợp đồng xây dựng một căn nhà 4 tầng ở Vĩnh Hòa (Nha Trang). Chủ nhà yêu cầu khoán vật liệu và công thợ. Sau khi tính toán, anh đưa ra con số 5,2 triệu/m2 và ký hợp đồng với chủ nhà từ đầu năm. Theo hợp đồng thì phía chủ nhà sẽ khoán gọn cho bên xây dựng cả tiền công lẫn tiền vật tư, chỉ thuê giám sát độc lập. Chủ nhà sẽ thanh toán tiền theo từng đợt, tùy thuộc tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, do đầu năm có nhiều khó khăn nên anh phải dời thời điểm thi công đến tháng 3. Trong quá trình thi công, giá vật liệu leo thang chóng mặt, từ sắt thép, xi măng cho đến gạch, ngói, cát, đá, sạn, gạch lót nền, tôn, đồ trang trí nội thất, các thiết bị điện nước… Điều này khiến anh Tuấn thực sự khó khăn bởi số tiền mà anh tính toán đều dựa vào bảng giá khi vật liệu chưa tăng, nay với mức tăng từ 20 - 30% thì cầm chắc lỗ. Vì thế anh chỉ còn cách thương lượng lại với chủ nhà. Anh than: “Khi lên dự toán, tôi cũng tính khả năng giá sẽ tăng và có ghi phụ chú trong hợp đồng phòng ngừa giá vật liệu tăng. Thế nhưng, mức tăng giá vượt quá nhiều lần tiên liệu của tôi nên bây giờ làm theo giá cũ thì cầm chắc lỗ cả trăm triệu đồng”.

Đối với những người dân xây nhà cấp 4, nhỏ lẻ, giá VLXD tăng cũng là bài toán hóc búa. Vợ chồng anh Quang, chị Hà đều là công chức trẻ. Khổ cực dành dụm bao lâu mới mua được miếng đất nho nhỏ ở Vĩnh Trung (Nha Trang), anh chị vay thêm 100 triệu đồng để xây một căn nhà cấp 4. Để tiết kiệm, anh chỉ thuê công thợ, còn vật liệu anh tự mua chỗ quen. Tuy là nhà cấp 4 không cần nhiều sắt thép hay đồ trang trí “xịn”, nhưng do giá vật liệu như đá, xi măng, cát, gạch… đều tăng nên chi phí phát sinh khủng khiếp. Khi công trình gần hoàn thành, chi phí phát sinh lên đến 25%, tức là thiếu hụt đến 25 triệu đồng. Vì thế, anh quyết định tạm chưa đóng trần và gạch nền, chờ khi nào có tiền mới làm tiếp.

Ngay cả những người kinh doanh VLXD cũng than trời. Chị Hoa, chủ một cửa hàng VLXD ở Vĩnh Hiệp (Nha Trang) cho biết: Vào thời điểm tăng giá, chủ hàng báo giá mới liên tục khiến việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. Giá cao khiến nhiều người quyết định dừng việc xây dựng, hủy hợp đồng. Mặt khác, do đặc thù mua bán VLXD là phải cho “gối đầu” nên thời điểm thanh toán mà giá tăng thì chủ hàng lỗ là chuyện bình thường. Đó là chưa kể, nếu người mua trả hàng thì rất dễ đôi co với nhau về giá cả tại thời điểm trả hàng…

Hiện nay, giá VLXD có mức tăng cao. Khác với lý do tăng giá năm 2007 do suy thoái kinh tế toàn cầu, năm nay việc tăng giá là do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá xăng, điện. Khi các mặt hàng này tăng giá, biến động lớn nhất là thép và xi măng. Chưa kể chuyện phôi thép nhập khẩu tăng giá, việc tăng giá điện cũng khiến chi phí đầu vào của các lò cán thép tăng khiến giá thép tăng nhanh. Mặt khác, yếu tố đầu cơ cũng khiến giá VLXD tăng mạnh. Chẳng hạn trước thông tin giá thép tăng, những nhà kinh doanh sẽ găm hàng chờ giá tăng bất chấp việc có thể bị xử phạt bởi tiền phạt chẳng thấm tháp gì so với lợi nhuận. Vì thế, thị trường đôi khi có những cơn khan hiếm ảo chỉ vì chuyện đầu cơ.

Đối với các mặt hàng trang trí nội thất, điện, nước, lý do tăng giá lại khác. Một chủ cửa hàng kinh doanh nội thất cho biết: Việc tăng giá là do nguyên liệu hoặc nguồn hàng nhập khẩu tăng giá. Mặt khác, do chi phí vận chuyển tăng lên do giá điện, xăng tăng đập vào giá thành khiến tất cả hàng hóa đều tăng giá. Nhiều mặt hàng nhập hoặc còn trong kho, chủ hàng tính theo giá mới nên các đại lý cũng đành phải bán theo giá mới mới có lời.

Giá tăng, sức mua đồng tiền giảm nên ngay cả chi phí công thợ cũng tăng giá khiến giá thành công trình tăng đáng kể. Nếu trước đây, thuê thợ chính 140.000 đồng/ngày thì bây giờ phải trả 160.000 đồng/ngày, thợ phụ khoảng 110.000 đồng/ngày thì họ mới làm.

Tình hình này khiến nhiều người đang tính toán xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà cửa đành phải ngưng lại. Đa số đều thăm dò chờ xem thị trường có hạ giá hay không, nếu không thì cũng đành tạm ngưng vì sợ sẽ phát sinh quá nhiều thì khổ.

T.M