07:05, 19/05/2011

Khi giá đất “nhảy múa”

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp vẫn luôn ở mức rất cao. Thế nhưng, ngay cả khi đã dành dụm được ít tiền, việc tìm cho mình một mảnh đất hợp lý quả thật không dễ dàng khi mà hoạt động đầu cơ, đẩy giá bất hợp lý đang ngày càng “phát tướng”.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp vẫn luôn ở mức rất cao. Thế nhưng, ngay cả khi đã dành dụm được ít tiền, việc tìm cho mình một mảnh đất hợp lý quả thật không dễ dàng khi mà hoạt động đầu cơ, đẩy giá bất hợp lý đang ngày càng “phát tướng”.

Sau bao năm chắt chiu dành dụm, cùng với sự hỗ trợ của anh em họ hàng, gia đình anh N.Q.H quyết định tìm cho mình một mái nhà, “thoát ly” với cảnh ở trọ hơn 10 năm qua. Phương án tìm một căn nhà nhỏ trong thành phố nhanh chóng bị “phá sản” bởi giá cả nơi đây “quá sức chịu đựng” của một viên chức như anh H. Có lẽ một mảnh đất khoảng hơn 100m cùng với một căn nhà nhỏ ở vùng ven sẽ hợp lý hơn khi trong tay anh chỉ có khoảng 300 triệu đồng. Sau khá nhiều đắn đo, cân nhắc, cuối cùng, anh H. cũng “nhắm” được một vài lô đất mà theo “quảng cáo” của người chủ là rất phù hợp với nhu cầu của mình. Và cũng không quá khó khăn, chỉ cần một cuộc điện thoại, chưa đầy 10 phút sau đã có người dẫn anh H. đi xem tận nơi. Nhưng khi tận mắt chứng kiến thì thực tế khác với anh nghĩ rất nhiều. Mảnh đất nhỏ nằm chơ vơ giữa “đồng không mông quạnh”, không có điện, nước và con đường dẫn vào lô đất chỉ rộng chừng 2m. Cả một khu vực rộng hơn 5 héc-ta được ngăn thành những ô nhỏ, mỗi ô có diện tích từ 100 đến 300m, bên trong có “đường nội bộ” rộng từ 2 - 4m tùy nơi.

Chưa ưng ý, anh H. tiếp tục tìm kiếm và lần này là một lô đất ở trong khu dân cư đông đúc hơn, có điện nước hẳn hoi nhưng giá thành cũng vì thế được đẩy lên rất cao, gần 4 triệu đồng/m2. Theo “rỉ tai” từ người sống bên cạnh, trước đây, lô đất này chưa có “sổ đỏ”, người chủ cũ sau nhiều năm không làm được “sổ” đã phải bán với giá rất rẻ, chưa đầy 1 triệu đồng/m2. Nhưng không hiểu sao, từ khi qua tay “lái buôn” này chỉ trong một thời gian ngắn, mảnh đất đã có sổ sở hữu chính thức, và giá cả cũng vì thế được đẩy lên gấp 3 - 4 lần. Không kham nổi với giá “cắt cổ” như vậy, càng ngày, mảnh đất mà anh H. đi xem càng xa với khu vực nội thành, có khi lên đến Diên An, Diên Điền (Diên Khánh). Giá ở đây có phần dễ chịu hơn, chưa đầy 2 triệu đồng/m2. Nhưng nghĩ lại cảnh hàng ngày đi hơn 10 cây số đến nơi làm việc, anh H. chỉ biết lắc đầu.
Khác với anh H., gia đình ông Trần Văn T. lại có nhu cầu khác. Với 3 thế hệ trong gia đình, ngôi nhà ở nội thành đã trở nên quá tải, cho nên ông quyết định bán ngôi nhà này để ra ngoại thành sống. Ông bà đã già, con cháu trong nhà không ai buôn bán gì nên ông cần một mảnh đất rộng, yên tĩnh, mát mẻ. Với số tiền bán nhà hơn 1 tỷ đồng, ông tính dành khoảng 7 - 8 trăm triệu mua chừng 500m2 đất ở ngoại thành, số còn lại dùng để xây nhà. Nhưng sau hơn một tháng “xới tung” khu vực Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp… mảnh đất mà ông cần vẫn chưa “lộ diện”. Đi đâu ông cũng gặp phải “nhà đầu cơ”, gặp phải “cò” nhà đất và có vẻ như họ không chỉ cho giá đất “nhảy múa” một cách bất hợp lý mà còn là những nhà “quy hoạch” đại tài khi đất đai được phân chia theo những đường kẻ của chính họ.

Qua một thời gian dài tìm kiếm, ông T. rút ra một quy luật: “Đất “ở được” thì giá quá cao; còn mấy miếng đất giá rẻ đến… bất ngờ hoặc là chưa có giấy tờ đầy đủ, hoặc đang “dính” phải quy hoạch. Và quan trọng là đất chính chủ đứng ra bán rất hiếm hoi, chủ yếu là đất đã qua 2 - 3 tay và mỗi lần qua tay cũng không tránh khỏi việc giá cả tăng lên mấy phần”.

Giá đất ngày càng “phồng lên” theo số lượng người có nhu cầu đất ở thực sự. Trong khi đó, chính sách “nhà dành cho người thu nhập thấp” không những chưa đáp ứng được so với nhu cầu, mà ngay cả những ngôi nhà dành cho đối tượng này cũng không hề… rẻ.

Trong khi đó, các dự án khu dân cư đang mọc lên như nấm sau mưa ở khu vực vùng ven TP. Nha Trang gần như chỉ để dành cho người có “thu nhập cao”, bởi giá cả ở đây cao ngất ngưởng so với khả năng của người có thu nhập thấp. Không ai có thể phủ nhận rằng, khá nhiều diện tích đất đai ở những vùng ven như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Phước Đồng, Vĩnh Phương… đã rơi vào tay của một số người có khả năng tài chính. Họ mua đất, kể cả đất ruộng của người dân, rồi san nền phân lô bán lại kiếm lời. Nói cách khác, thị trường đất đai ở những khu vực này dường như chỉ phụ thuộc vào “một số ít” những người này. Họ hoàn toàn đủ lực để “tung hứng” giá đất vượt qua cả tầm kiểm soát của các nhà quản lý cũng như khả năng của những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có nhu cầu thực sự.

H.L