Bầu cử là quyền lợi cũng như trách nhiệm của công dân. Đó là một hoạt động nhằm chọn ra những người đại diện ưu tú nhất thực hiện những quyền lực Nhà nước nhằm đảm bảo lợi ích của đa số người dân.
Theo nguyên tắc, quyền lực Nhà nước được giao cho Quốc hội và HĐND các cấp, nơi các ĐB là những người được nhân dân trực tiếp bầu ra. Cơ quan quyền lực sẽ bầu ra một hệ thống cơ quan hành chính để thực hiện những nhiệm vụ ấy. Ở Quốc hội đó là Chính phủ, còn ở các cấp là UBND các cấp. Đối với Quốc hội, ngoài việc đưa ra các quyết sách quan trọng, bầu ra bộ máy thực hiện thì một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nữa là làm luật. Đây sẽ là công cụ rất quan trọng để điều tiết xã hội. Như vậy, từ các nhiệm vụ chính trên, có thể thấy, tất cả những điều mà các ĐB làm đều nhằm xuất phát từ quyền lợi của quần chúng, và ngược lại, quần chúng nhân dân phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống bộ máy Nhà nước do chính mình lập ra gián tiếp qua những người đại diện.
Xét về mặt tổ chức, Quốc hội cũng như HĐND các cấp, cơ quan quyền lực cao nhất là kỳ họp. Chính trong các kỳ họp các ĐB mới thể hiện được vai trò là người đại diện cho quần chúng. Nếu ĐB hoạt động tích cực, tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, thực hiện quyền giám sát của người ĐB một cách nghiêm túc thì đó chính là đóng góp thực sự vào chất lượng cho các kỳ họp. Vẫn còn tình trạng một số ĐB còn thụ động trong các kỳ họp. Thái độ thụ động ấy chính là biểu hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực đối với những cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Tuy nhiên, do thông tin chậm nên nhiều khi cử tri vẫn chưa được cập nhật nhanh chóng nội dung của các kỳ họp. Hiện nay, do sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, nội dung của các kỳ họp đã được truyền đến người dân trong thời gian nhanh nhất, thậm chí họp Quốc hội hay HĐND cấp tỉnh cũng được truyền hình trực tiếp. Điều này đặt ra vấn đề là các ĐB cần phải ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó là phải làm sao để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước, của địa phương, nơi mình được người dân tin tưởng bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Muốn làm được điều ấy, người ĐB trước hết phải ý thức về trách nhiệm của mình. Tiếp đến, cần phải dồn tâm huyết vào công việc mà nhân dân tin tưởng giao phó. Hiện nay, các ĐB là những người ưu tú nhất trong nhiều lĩnh vực, ngành, giới, tôn giáo… vì thế ngoài kiến thức, am hiểu sâu về lĩnh vực của mình, người đó cần phải có cái nhìn tổng quát về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ít nhất là ở tầm địa phương mình được bầu. Có như vậy, người ĐB mới có thể có những ý kiến đóng góp giá trị về các vấn đề lớn của địa phương, cả nước.
Mặt khác, trong xã hội thông tin như hiện nay, việc chậm thích nghi cũng có nghĩa tự đào thải mình, vì thế người ĐB cần phải liên tục học hỏi, cập nhật những vấn đề thời sự, phải rèn luyện khả năng phân tích, tư duy để giải quyết những vấn đề cụ thể của địa phương hay cả nước. Tránh trường hợp thờø ơ, đến kỳ họp chỉ đọc qua quýt các tài liệu được phát rồi giơ tay biểu quyết theo số đông mà không có ý kiến gì.
Vấn đề giám sát và phản biện cũng rất quan trọng đối với người ĐB. Như trên phân tích, việc thực hiện những quyết sách của Quốc hội hoặc HĐND các cấp là dựa vào bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương. Vì thế, nếu không thực hiện việc giám sát thì rất có thể bộ máy hành chính không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những yêu cầu mà Quốc hội hay HĐND các cấp đã đề ra. Tuy nhiên có một thực tế, bộ máy hành chính lại rất có thực quyền, có khả năng tác động đến người ĐB ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Vì vậy, để thực hiện tốt việc giám sát, các ĐB phải đề cao ý thức trách nhiệm và quan trọng nhất là không được e ngại. Phải có quan điểm đúng đắn về vấn đề này bởi khi đã là ĐB, người đó không chỉ có những vấn đề cá nhân mà phải ý thức đây là trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân. Để làm được điều này, người ĐB cần có tầm nhìn chiến lược, phải rèn luyện khả năng phản biện trên cơ sở phản biện là xây dựng chứ không phải là phủ nhận lẫn nhau. Mặt khác, hiện nay tình hình khiếu nại của người dân đang diễn ra tương đối phức tạp. Thực ra, về mặt lý thuyết, xã hội nào cũng có sự xung đột về lợi ích giữa một bộ phận người dân và Nhà nước. Tuy nhiên, người ĐB cần tỉnh táo, trong quá trình phản biện cần nhận thức rõ bản chất của sự xung đột để có phương pháp phù hợp để dung hòa lợi ích Nhà nước và lợi ích riêng của công dân.
QUANG LONG