Lâu nay, người dân đã hình thành thói quen sử dụng các thức ăn được bày bán trên đường phố. Thói quen này có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu của người dân đô thị vì khá thuận tiện.
Lâu nay, người dân đã hình thành thói quen sử dụng các thức ăn được bày bán trên đường phố. Thói quen này có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu của người dân đô thị vì khá thuận tiện. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng văn minh thì cũng cần xem xét để sửa đổi những thói quen có hại. Thức ăn đường phố (TAĐP) tiềm ẩn nhiều mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nếu không được đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vì thế ngay từ bây giờ, chúng ta cần có một cái nhìn đúng về vấn đề này.
Hiện nay, TAĐP dưới nhiều hình thức đã và đang phát triển đa dạng, được bày bán nhan nhản trên vỉa hè, các chợ, các bến tàu, bến xe, trước các cổng trường học… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi… Còn khách hàng thì vẫn vô tư ăn uống ngay tại các quán vỉa hè mà không quan tâm hoặc chú ý gì đến vệ sinh và môi trường bị ô nhiễm bụi đường, khói do xe cộ các loại qua lại gây ra.
Hàng ăn uống bày bán dưới đất tại chợ Vạn Ninh |
Thời tiết nóng nực mùa Hè là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm phát triển và bùng phát thành dịch nếu người dân vẫn tiếp tục ăn uống và sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh. Nguy cơ dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xảy ra trong mùa Hè rất lớn, vì nhu cầu sử dụng thực phẩm, kể cả thực phẩm tươi, thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước giải khát, nước đá tăng cao. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng nước đá trong mùa Hè rất lớn, trong khi đó chất lượng nước đá, đá cây hiện nay hầu như chưa được kiểm soát.
Hiện nay, tuy bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng vẫn chỉ là những ổ bệnh lẻ tẻ trong thời gian ngắn, chưa phát thành dịch. Song, nếu chúng ta lơ là và không có những biện pháp phòng, chống bệnh tích cực thì nguy cơ bùng phát thành dịch vẫn có thể xảy ra trong mùa Hè này. Cũng như các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa khác, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây qua đường ăn uống do thức ăn, nước uống thiếu hoặc kém vệ sinh, không bảo đảm ATVSTP gây ra. Vì vậy, để đề phòng bệnh, việc giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh thực phẩm vô cùng quan trọng, đặc biệt mọi người cần phải thực hiện tốt việc ăn chín, uống nước đã được đun sôi, tuyệt đối không ăn những loại thức ăn còn sống như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chua, các món thịt cá, hải sản, trứng gia cầm… còn sống hoặc mới nhúng tái chưa nấu chín kỹ còn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể gây tử vong. Tuyệt đối không uống nước lã và những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh bán ở đường phố, vỉa hè, các quán nước ở những nơi mất vệ sinh, nhất là các loại nước giải khát có đá lạnh không rõ nguồn gốc. Mọi người nên từ bỏ thói quen ăn rau sống, kể cả những loại được giới thiệu là rau sạch. Bởi, trong điều kiện canh tác hiện nay của các nhà trồng rau, dù chúng ta có rửa rau sống ngập trong nước, ngâm nước muối, thuốc tím, sục ozon hoặc rửa rau dưới vòi nước chảy mạnh và kỹ đến đâu cũng không thể loại bỏ được tất cả mầm bệnh mà chỉ hạn chế mầm bệnh, nguy cơ mắc bệnh vẫn còn rất lớn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người không nên dùng TAĐP dù có ngon và hấp dẫn mấy, nhất là những thức ăn bày bán dọc các vỉa hè, đường phố, các bến tàu, nhà ga, bến xe, chợ… không đảm bảo vệ sinh. Được biết, theo quy định của Bộ Y tế, TAĐP phải tuân thủ đảm bảo 10 tiêu chuẩn vệ sinh, nhưng qua các đợt kiểm tra của Chi cục ATVSTP và đoàn liên ngành thì hầu hết các hàng quán bán thức ăn hiện nay vẫn vi phạm ATVSTP, không đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh mà Bộ Y tế đã đề ra. Trong hoàn cảnh phải sử dụng TAĐP, chúng ta nên chọn các cửa hàng sạch sẽ, thoáng mát, ăn những món ăn nóng đã được nấu chín, tránh ruồi nhặng, sử dụng nước uống đóng chai có nhãn mác đảm bảo, không dùng nước đá không rõ nguồn gốc. Có làm được và thực hiện tốt ATVSTP trong chế biến, kinh doanh, mua bán và ăn uống, chúng ta mới có thể phòng, chống các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa có hiệu quả.
MINH SƠN