Mấy năm nay, cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), hầu như lần nào các vị đại biểu HĐND cũng nhận được kiến nghị mở thêm trường trung học phổ thông.
Mấy năm nay, cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), hầu như lần nào các vị đại biểu HĐND cũng nhận được kiến nghị mở thêm trường trung học phổ thông (THPT). Nguyện vọng ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi theo ngành Giáo dục và Đào tạo, quy mô phát triển cấp trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn huyện còn thấp, mỗi năm có chưa tới 400 học sinh (HS) lớp 9; trừ bớt các em được chọn vào trường Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh, đi học nghề, học bổ túc văn hóa hoặc không tiếp tục con đường học vấn thì số HS còn lại chỉ vừa đủ cho chỉ tiêu của Trường THPT Lạc Long Quân. Tuy vậy, về mặt xã hội, đây là một nguyện vọng chính đáng cần được quan tâm hơn nữa vì Khánh Vĩnh là một huyện rộng vào hàng nhất, nhì của tỉnh với 14 xã, thị trấn nhưng chỉ có 1 trường THPT và 3 trường THCS (trong đó có trường DTNT chung cho toàn huyện) nên cự ly từ nhà đến trường của không ít HS quá xa, lại lắm đèo dốc cách trở; mùa mưa đi lại rất khó khăn, vất vả. So với Khánh Vĩnh thì Khánh Sơn nhỏ hơn về cả diện tích, số lượng đơn vị hành chính và dân số nhưng cũng gặp những khó khăn tương tự vì cả huyện chỉ có 1 trường THPT và 3 trường THCS - kể cả 1 trường DTNT. Rất có thể đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần vào việc Khánh Sơn và Khánh Vĩnh luôn dẫn đầu cả tỉnh về tỷ lệ HS bỏ học nửa chừng từ nhiều năm nay.
Nhiều người có sự so sánh về sự bất hợp lý của hệ thống giáo dục ở tỉnh ta mà có lẽ khó có ai có thể giải thích thông suốt. Ví như huyện Diên Khánh có 19 xã, thị trấn sau khi chuyển đổi, sáp nhập các trường THPT bán công thì cả huyện chỉ còn 2 trường THPT; tính về số lượng trường thì đứng sau nhiều huyện có quy mô dân số và đơn vị hành chính nhỏ hơn như Vạn Ninh (13 xã, thị trấn, có 4 trường THPT), Cam Lâm (14 xã, thị trấn với 3 trường THPT)... Mạng lưới trường học ở Nha Trang cũng không tránh khỏi sự khập khiễng ấy. Chẳng hạn phường Xương Huân thuộc khu vực nội thành, tập trung đông dân cư lại không có trường THCS nên con em nhân dân trong phường đều phải học “nhờ” ở các phường khác; suốt 1 dải các xã, phường phía Nam Nha Trang (Phước Hải, Phước Long, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Đồng) mấy năm nay phát triển nhanh về mọi mặt, dân cư ngày càng đông đúc nhưng chưa có 1 trường THPT công lập nào khiến nhiều HS phải đi “xuyên” thành phố để đến học ở các trường nằm ở trung tâm thành phố; trong khi các xã, phường phía Bắc thành phố lại có đến 4 trường THPT - chưa kể tới trường THPT Hùng Vương đã có quyết định thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động!
Phần lớn các trường THPT ở tỉnh bám theo trục giao thông Quốc lộ 1A do lâu nay đây là nơi dân cư sinh sống tập trung với mật độ cao nhất. Tuy vậy, khi mạng lưới giao thông nội tỉnh ngày càng mở rộng và đời sống kinh tế - xã hội các khu vực nông thôn ngày càng phát triển thì cách bố trí trường học như vậy tỏ ra không còn phù hợp, nếu không nói là bất cập với yêu cầu nâng cao dân trí nhằm tiến đến mục tiêu phổ cập giáo dục trung học. Có thể thấy rõ điều này ở nhiều địa phương khác nhau; trong đó Cam Lâm, Cam Ranh là những ví dụ điển hình khi toàn bộ 7 xã phía Tây - trong đó có những địa phương luôn được ca ngợi về truyền thống hiếu học, từng được ví là “thung lũng sư phạm” như Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc… lại không có trường THPT nào. Nếu nhìn ở góc độ chất lượng thì hầu như các trường “điểm” được đầu tư chu đáo về mọi mặt luôn co cụm ở các khu vực trung tâm đô thị, chỉ phục vụ cho một bộ phận HS có điều kiện thuận lợi mà giáo dục mầm non Nha Trang là một ví dụ điển hình khi 3 trường mầm non công lập hàng đầu của cả tỉnh là Hương Sen, 3/2, Lý Tự Trọng lại tập trung quanh trục đường Lý Tự Trọng dài chưa tới 1.000m; trong khi ở các phường vùng ven và xã ngoại thành, các trường mầm non còn khó khăn, thiếu thốn mọi bề.
Khi quy hoạch hệ thống giáo dục, người ta thường quan tâm nhiều nhất đến số lượng dân số học đường để đảm bảo các trường học, đặc biệt là các trường trung học đều có quy mô từ 15 - 20 lớp trở lên. Điều này nhằm thực hiện yêu cầu đảm bảo hiệu quả kinh tế trong sử dụng cơ sở vật chất và đặc biệt là đội ngũ giáo viên (có môn chỉ 1 tiết/lớp/tuần nên trường phải trên 15 lớp thì mới đủ định mức lao động cho 1 giáo viên). Đúng là trường lớn thì không khí sinh hoạt cũng “hoành tráng” hơn và việc trao đổi kinh nghiệm dạy học, dự giờ thăm lớp… cũng dễ dàng, hiệu quả hơn. Tuy vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân những vùng xa vốn đã gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống được đến trường dễ dàng phải được coi là một mục tiêu lớn và có ý nghĩa quan trọng không kém. Có lẽ tỉnh nên sớm quy hoạch lại mạng lưới trường học và nên chăng phục hồi loại hình trường phổ thông có nhiều cấp học (như trường cấp 1-2, cấp 2-3) hoặc chấp nhận trường phổ thông có quy mô nhỏ ở các địa bàn khó khăn, nhất là ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Đây cũng là cách làm giáo dục của nhiều quốc gia khác trên thế giới và khu vực, như nhiều cán bộ quản lý giáo dục có dịp đi tham quan, học tập ở Hàn Quốc cho biết ở bên ấy, có khá nhiều trường trung học được xây dựng quy mô, bề thế, đầy đủ các phương tiện dạy học hiện đại nhưng chỉ có 9 lớp và mỗi lớp cũng chỉ khoảng 25 - 30 HS.
LÊ VĂN