Chỉ trong vòng mấy năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đủ tất cả phương thức tuyển sinh lớp 10 4theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi với xét tuyển; gần như là mỗi năm lại thay 1 kiểu.
Chỉ trong vòng mấy năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đủ tất cả phương thức tuyển sinh lớp 10 (TS10) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi với xét tuyển; gần như là mỗi năm lại thay 1 kiểu. Tuy chưa thấy có một tổng kết chính thức về ưu, khuyết điểm và kinh nghiệm rút ra từ các phương thức TS10 này nhưng dư luận trong ngành GD-ĐT cho rằng khối các trường trung học cơ sở (THCS) cũng như các phòng GD-ĐT nghiêng về xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét tuyển để đảm bảo tính kế thừa trong quá trình giáo dục, còn khối các trường trung học phổ thông (THPT) - là nơi nhận “sản phẩm” của các trường THCS lại muốn thi tuyển cho thật khách quan, rạch ròi, công bằng.
Cũng theo dư luận, phương thức thi tuyển trong TS10 ở tỉnh ta được lựa chọn chủ yếu dựa vào lập luận cho rằng kết quả đánh giá, xếp loại học sinh (HS) của các trường THCS lâu nay thiếu chính xác; bằng chứng là cùng trên 1 địa bàn nhưng tỷ lệ xếp loại các mặt giáo dục của HS - đặc biệt là xếp loại về học lực - của các trường THCS lại chênh lệch nhau. Đây quả là 1 hiện tượng có thực nhưng có lẽ không phải là “độc quyền” của riêng các trường THCS vì trong thực tế, có không ít trường THPT được coi là trọng điểm, có truyền thống dạy học tốt từ hàng chục năm nay nhưng số lượng HS giỏi lại ít hơn các trường THPT bình thường khác mà ngay chính ngành GD-ĐT cũng như phụ huynh HS đều biết là chất lượng kém hơn nhiều. Xét cho cùng, căn bệnh thành tích không chỉ là lỗi của các trường THCS mà còn là trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, nhất là các phòng GD-ĐT vì hàng năm đều có các đoàn thanh tra, kiểm tra đến từng trường; nếu thực sự quan tâm và có quyết tâm chỉ đạo thì hoàn toàn có khả năng chấn chỉnh được. Những người chủ trương thi tuyển cũng có thể chỉ ra một số HS tốt nghiệp THCS loại khá - giỏi nhưng điểm các bài thi Văn, Toán khi TS10 lại khá thấp, thậm chí có em rất thấp và cho rằng kết quả đánh giá của các trường THCS không đáng tin cậy. Thực ra, đó cũng lại là một thực trạng đáng buồn chung cho cả ngành GD-ĐT, vì đã từng có trường hợp HS thủ khoa tốt nghiệp THPT toàn tỉnh nhưng lại thi rớt đại học hoặc có em đạt giải HS giỏi quốc gia, được ưu tiên tuyển vào trường đại học nhưng lại bị lưu ban ngay trong năm học đầu tiên. Có lẽ, chúng ta phải đối mặt với sự khập khiểng về đánh giá, xếp loại HS trong một thời gian khá dài nữa nhưng cũng không nên cho rằng đó là tình trạng phổ biến, bao trùm toàn bộ các trường học vì vẫn còn rất nhiều thầy cô giáo tâm huyết, biết giữ gìn nhân cách, không dễ bị lung lay, mua chuộc, thỏa hiệp với nạn “chạy điểm”; còn những trường hợp HS đặc biệt, con em của các bậc phụ huynh đầy quyền lực, đủ sức chi phối cả nhà trường - nếu có thì cũng e rằng rất hiếm trong mỗi trường học.
Mỗi phương thức TS10 tất nhiên đều có thế mạnh, yếu khác nhau nhưng nhìn từ góc độ các trường THCS, chúng tôi nghĩ rằng các cấp thẩm quyền cần cân nhắc kỹ hơn khi quyết định lựa chọn phương thức thi tuyển; bởi như vậy cũng có nghĩa không còn tính đến quá trình học tập, rèn luyện của HS trong suốt 4 năm học ở trường THCS nữa. Từ khi công bố TS10 theo hình thức thi tuyển 3 môn thì hầu hết HS lớp 9 chỉ tập trung cho 2 môn Văn, Toán (thậm chí có em học thêm mỗi môn này tới 2 “cua”) và sẽ dành thời gian tập trung cho môn thứ 3 ngay khi được thông báo với các loại ôn thi cấp tốc bởi thực tế cho thấy nếu đạt điểm cao 2 môn Văn, Toán (có hệ số 2) thì môn thứ 3 chỉ cần không bị điểm liệt là đã có thể kiếm được 1 suất vào trường THPT công lập. Và như nhiều thầy cô giáo nói, nếu từ nay trở đi cứ tiếp tục duy trì phương thức TS10 này thì các trường THCS có lẽ chỉ còn 2 môn Văn, Toán là thực dạy - thực học, các môn được coi là môn phụ, nhất là những môn không có cơ hội chọn là môn thứ 3 như Thể dục, Giáo dục Công dân, Công nghệ… đành phải “ra rìa”.
Tuy vậy, đối với các trường THCS thì điều đáng lo ngại nhất khi TS10 theo phương thức thi tuyển là các hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; đặc biệt là các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa, các sinh hoạt Đoàn - Đội… cũng sẽ không còn đất sống vì việc xếp loại hạnh kiểm của HS thực ra chẳng còn ý nghĩa, tác dụng gì nữa. Và như thế là quá trình giáo dục phổ thông bị mất tính liên tục, yêu cầu giáo dục toàn diện cũng bị bỏ ngỏ; điều này sẽ tạo ra vô vàn khó khăn cho các trường THCS, đặc biệt là trong bối cảnh phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” vẫn đòi hỏi các nhà trường phải quan tâm thực hiện tốt mọi hoạt động giáo dục như hiện nay.
Chúng tôi được biết, nhiều nước trên thế giới không còn duy trì kỳ thi chuyển cấp trong suốt các cấp học phổ thông, thay vào đó là tư vấn, hướng nghiệp để phân luồng đào tạo và giúp HS sớm chọn được hình thức học tập phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường và cả sở thích của mình. Không biết chủ trương hội nhập quốc tế của ngành GD-ĐT nước ta ra sao nhưng thiết nghĩ trước mục tiêu phổ cập giáo dục trung học như hiện nay và trong bối cảnh hầu hết các địa phương không còn trường THPT ngoài công lập nữa thì TS10 theo phương thức xét tuyển sẽ là thích hợp nhất vì đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và tránh được căng thẳng, phiền hà không cần thiết cho cả HS và xã hội.
VÕ HÀ