03:03, 23/03/2011

Cần coi trọng đúng mức việc khai tử

Khi trong nhà không may có người qua đời, nhiều người nghĩ đơn giản nên không quan tâm đến chuyện khai tử. Tuy nhiên, chính điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ…

Khi trong nhà không may có người qua đời, nhiều người nghĩ đơn giản nên không quan tâm đến chuyện khai tử. Tuy nhiên, chính điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ…

. Gặp khó khăn vì không khai tử

Theo pháp luật quy định, thân nhân của người mất phải có trách nhiệm đi đăng ký khai tử, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính bằng cách phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 - 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, do nghĩ rằng việc khai tử cho người chết chẳng mang lại “lợi lộc” gì, đăng ký cũng được, không đăng ký cũng được nên đại bộ phận người dân vẫn chưa coi trọng đến công tác này. Vì những suy nghĩ đó nên nhiều trường hợp đã gặp không ít khó khăn từ việc không chịu khai tử.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Cúc ở Vĩnh Phước, Nha Trang có 500m2 đất thổ cư do cha mẹ để lại. Năm 1987, chồng chị về quê nội ở Quảng Ngãi chơi và qua đời tại đây. Chồng mất ở quê nên chị không làm thủ tục đăng ký khai tử cho chồng. Đến năm 2010, khi đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng yêu cầu chị phải trình Giấy chứng tử thì chị không có. Vì không xuất trình được Giấy chứng tử cho chồng nên việc làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị hiện vẫn chưa thể giải quyết được.

Chung cảnh ngộ như chị Cúc là trường hợp của gia đình ông Hoàng Văn Long (Ninh Hòa). Gia đình ông Long có 4 anh chị em. Ngày còn sống, bố mẹ ông có chia cho mỗi anh chị em một khoảnh đất trong thửa đất của gia đình. Việc chia đất ngày ấy không có giấy tờ, bản thân ông đi làm xa nên cũng không để ý. Nhưng sau khi bố mẹ mất nhiều năm, đất đai lên giá vùn vụt, người anh cả một mình định chiếm cả dinh cơ. Tranh chấp xảy ra, họ đành phải đưa nhau ra Tòa. Nhưng đến khi nhận hồ sơ, Tòa yêu cầu ông Long (là đại diện cho các nguyên đơn) phải xuất trình Giấy chứng tử của bố mẹ để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế còn hay hết. Đến lúc bấy giờ, cả 3 anh chị em mới nhớ ra là chưa đi đăng ký khai tử cho bố mẹ. Đáng nói, bố mẹ ông mất đã lâu, gia đình không còn lưu giữ bất cứ giấy tờ gì chứng minh thời điểm ông bà mất. Cán bộ Tòa án giải thích, nếu chị không chứng minh được, thì vụ án sẽ không được giải quyết.

. Là trách nhiệm, là quyền lợi

Thực tế cho thấy, người dân thường xem nhẹ việc đăng ký khai tử khi có người thân qua đời. Tuy trong Điều 20 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định thời hạn khai tử là 15 ngày, kể từ ngày mất; thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử, song dường như chuyện này đã không được quan tâm đúng mực. Tuy năm 2010, trên địa bàn tỉnh có hơn 4 ngàn trường hợp đăng ký khai tử, nhưng qua khảo sát ở một số địa phương, tình trạng không đăng ký khai tử khi có người thân qua đời vẫn còn khá nhiều. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do người dân (nhất là ở nông thôn và miền núi) có tâm lý chết là hết, không cần trình báo và làm thủ tục khai tử để làm gì. Bởi những suy nghĩ đơn giản đó nên có huyện, con số người không đăng ký khai tử lên đến hàng ngàn trường hợp. Không chỉ ở những nơi vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở, ngay tại các thành thị, việc khai tử vẫn không được thực hiện triệt để.

Theo khuyến cáo của ngành Tư pháp, phải xác định khai tử là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của mỗi cá nhân có người thân khi qua đời. Việc không đi khai tử không chỉ gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng các chính sách về kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Khi người thân qua đời nhưng không làm thủ tục khai tử thì sau này, người còn sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu xảy ra tranh chấp về tài sản cũng như xác định quyền sở hữu đối với động sản hoặc bất động sản.

Như vậy có thể thấy, việc đăng ý khai tử là rất cần thiết và cần phải tiến hành ngay khi có người thân qua đời. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vấn đề này, ngoài nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, cán bộ tư pháp cấp cơ sở cần chủ động thông báo đến gia đình có người qua đời đến cơ quan địa phương đăng ký khai tử để tránh những thiệt thòi về sau.

LAM THANH