04:02, 10/02/2011

Lại “nóng” chuyện tàu, xe sau Tết

Hàng năm, cứ dịp Tết đến Xuân về, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Trước Tết họ về quê, sau Tết lại từ quê tất tả trở về nơi làm việc nên để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân không phải chuyện dễ dàng.

Hàng năm, cứ dịp Tết đến Xuân về, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Trước Tết họ về quê, sau Tết lại từ quê tất tả trở về nơi làm việc nên để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân không phải chuyện dễ dàng. Sau Tết, áp lực vé tàu xe lại đổ dồn cho các tỉnh thành, vì thế các địa phương đã chủ động tăng số xe để đáp ứng nhu cầu đi vào Nam của người dân, song vẫn chưa đủ…

Sau Tết, việc mua vé tàu lửa, máy bay để vào Nam rất khó khăn. Khách nếu không đặt mua từ trước Tết thì không thể nào mua vé vì đã kín chỗ cho dù cả ngành Đường sắt lẫn Hàng không đều tăng chuyến tối đa. Hiện nay, lượng người đổ về miền Nam tăng cao nhưng không mua được vé tàu, máy bay nên đành phải chọn đi bằng ô tô. So với mọi năm, năm nay, các bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sau Tết triển khai khá sớm và kịp thời. Bắt đầu từ mùng 2 Tết đã có xe chạy các tuyến. Hành khách đều có thể mua vé xe một cách dễ dàng ở các phòng vé từ trước đó từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, đến mùng 3 Tết trở đi, lượng khách tăng cao nên bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm. Ngoài ra, tâm lý e ngại giờ xuất hành (kiêng ngày lẻ) cũng khiến lượng hành khách tăng đột biến. Nhiều người đã không mua được vé các loại xe có chất lượng cao. Do không mua được vé tại bến xe, hoặc phải đi gấp vì chuyện đột xuất, nhiều người đã chọn giải pháp bắt xe dọc quốc lộ cho tiện dù biết rằng sẽ phải chịu cảnh “chặt chém”.

Có lẽ, Tết là dịp “làm ăn” béo bở nhất trong năm của các nhà xe nên họ vô tư bắt khách trên đường với giá “cắt cổ”. Vì để bù đắp chi phí cho những tuyến xe chạy không trở về, các bến xe đã niêm yết tăng giá từ 40% đến 60%. Tuy nhiên mức tăng như vậy cũng không là gì so với mức “tự tăng giá” của các nhà xe. Anh bạn tôi vì có chuyện phải đi gấp trong đêm mùng 4 Tết nên đã phải bắt xe thồ lên ngã 3 Thành để đón xe chất lượng cao đi TP. Hồ Chí Minh. Dù biết sẽ bị “chặt chém”, anh cũng khá bất ngờ khi các nhà xe đều bắt anh trả gấp 2 - 2,5 lần giá vé gốc. Dù từ chối cả 3, 4 chuyến xe nhưng giá vẫn không mềm hơn chút nào nên cuối cùng anh đành phải chấp nhận. Thế mà khi lên xe, anh cũng chẳng có chỗ ngồi cho tử tế, phải ngồi ghế xúp giữa lối đi, làm anh ê ẩm cả mình mẩy vì phải ngồi chật cứng trong suốt cả hành trình.

Nhiều hãng xe có thương hiệu đều bảo đảm xe không bắt khách nhưng việc bắt khách vượt quá quy định là bình thường, nhất là các loại xe khách bình thường, xe dù. Xe chất lượng cao còn đỡ, chứ các loại xe này lèn người vào tất cả các chỗ trống trong xe để lấy tiền. Ai phàn nàn, nếu lịch sự thì họ bảo “Tết mà, mong các bác thông cảm”, còn nặng thì chì chiết, quát tháo. Hành khách đã lên xe cũng đành bấm bụng vì chẳng còn phương án chọn lựa nào khác. Nhiều khi chuyến đi phải kéo dài vì tài xế cứ chạy vòng vòng để bắt khách cho đủ mới chịu chạy.

Tình trạng này không phải mới vì năm nào cũng diễn ra nhưng việc khắc phục không phải đơn giản. Nạn “xe dù” tự do xuất bến, không đảm bảo thủ tục chạy xe, rồi bắt khách, nhồi nhét khách… tất cả vì lợi nhuận của các nhà xe chứ chưa đưa tiêu chí phục vụ hành khách lên hàng đầu. Bởi vậy, hầu hết những chuyến đi ấy, hành khách trên xe cứ luôn nơm nớp cảnh xe đã chật lại đón thêm người mới, tài xế chạy nhanh để giành khách…; chỉ khi nào đến bến xe mới dám thở phào mừng… “thoát nạn”.

Các nhà xe thường tranh thủ chạy vào ban đêm. Do tuyến đường Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh chỉ chạy khoảng 8 - 10 tiếng đồng hồ nên nhiều nhà xe tranh thủ canh giờ chạy (nếu từ các tỉnh khác) hoặc xuất phát từ Nha Trang vào lúc chiều tối để đến sáng hôm sau có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng lý do quan trọng hơn là để… né Cảnh sát giao thông xử phạt chuyện nhồi nhét hành khách. Thông thường, các hãng xe có tên tuổi, chất lượng tốt ít bắt khách nhưng giá vé khá cao; xe khách bình thường có giá mềm hơn nhưng bù lại, hành khách phải chịu cực trong suốt cuộc hành trình. Đấy là chưa kể do có nhiều xe cùng chạy một thời điểm nên rất dễ gây tai nạn. Mặt khác, do Quốc lộ 1A chạy qua Khánh Hòa tuy khá tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên sự an toàn cho các chuyến xe chưa được bảo đảm.

So với mọi năm, chuyện “nóng” vé tàu xe ngày Tết năm nay có phần ít căng thẳng hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập mà hành khách vẫn là người phải chịu thiệt thòi, hơn hết là sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của họ trên các chuyến xe ấy. Vì thế, các cơ quan hữu quan cần có biện pháp cụ thể hơn để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trước và sau dịp Tết, nhưng cũng đảm bảo tháo gỡ bớt những thiệt thòi mà người dân phải gánh chịu.

VIỆT HÀ

(Ngọc Hiệp, Nha Trang)