Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mật độ các phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, người nào cũng vội về quê hoặc đi chơi.
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mật độ các phương tiện tham gia giao thông (TGGT) tăng đột biến, người nào cũng vội về quê hoặc đi chơi. Đây cũng là lúc cỗ bàn nhiều, người TGGT thường điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có hơi men nên dễ gây ra tai nạn. Tuy nhiên dịp Tết năm nay, nhiều người dân đã thể hiện nhiều lối ứng xử văn hóa khi TGGT…
Những ứng xử đẹp
Có thể nói, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, vấn đề giao thông luôn được cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu. Bởi vào những ngày này, người và phương tiện TGGT luôn ở mật độ cao; thêm vào đó, nhiều người TGGT khi có hơi men trong người, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Những năm trước, tình trạng người dân vi phạm luật khi TGGT thường xuyên xảy ra, nhất là chở 3, chở 4 và không đội mũ bảo hiểm xuất hiện khá nhiều trên các nẻo đường. Từ những vi phạm đó, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm đã xảy ra . So với cùng thời gian dịp Tết Canh Dần 2010, Tết năm nay số vụ TNGT tăng 6, số người chết tăng 6, số người bị thương tăng 5. Song nhìn chung, trên các tuyến đường từ thành phố đến nông thôn, hầu hết người TGGT đều nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật khi lưu thông trên đường. Dù ngày Tết khá nhộn nhịp, đa phần người điều khiển phương tiện giao thông đều chạy đúng tốc độ cho phép; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu gần như không có. Ở thành phố, người ngồi trên xe gắn máy đều đội mũ bảo hiểm theo quy định.
Đáng nói hơn, cách hành xử của người TGGT trong những ngày Tết rất văn hóa. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các nút giao thông quan trọng của TP. Nha Trang không có tình trạng chen lấn đường, thay vào đó mọi người sẵn sàng nhường đường cho nhau khi cần thiết. Khi không may có TNGT, những người đi đường nhanh chóng xuống xe giúp đỡ nạn nhân. Điển hình như vụ té xe ở đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) vào chiều 30 Tết, khi tai nạn xảy ra, rất nhiều người đi đường đã xuống xe giúp người bị tai nạn thu gom hàng hóa bị văng tung tóe trên đường. Hay vụ va quệt giữa 2 xe gắn máy trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), 2 bên đã hòa giải sự vụ với thái độ hòa nhã, đúng mực. Ngoài ra còn có nhiều hành động, ứng xử văn hóa khác của những người TGGT trong dịp Tết vừa qua.
Đôi điều suy ngẫm
Điều đáng ghi nhận là, trong những ngày Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã có sự nỗ lực đáng kể. Các chiến sĩ CSGT có mặt ở những điểm nóng giao thông từ trước và trong dịp Tết. Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông được triển khai quyết liệt và thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau. Nội dung an toàn giao thông được đưa vào giảng dạy trong trường học. Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông được tăng cường, tuần tra liên tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Những nỗ lực rất đáng ghi nhận ấy đã góp phần đẩy lùi, cải thiện đáng kể tình trạng TNGT vốn rất phức tạp.
Nhìn vào thái độ ứng xử văn hóa giao thông của người dân trong những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta hy vọng người TGGT sẽ tiếp tục phát huy những hành động tốt đẹp đó. Nếu trong ngày thường, mọi người dân cũng có ý thức hành xử giao thông có văn hóa như ngày Tết thì chắc chắn không còn cảnh người TGGT “phớt lờ” luật lệ, ngang nhiên vi phạm để rồi gây hậu họa cho người cùng TGGT và bản thân. Sẽ không có chuyện nhiều người cứ ngang nhiên vượt đèn vàng, đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi vắng bóng lực lượng CSGT ở các ngã ba, ngã tư. Và ở các thành phố lớn, các vụ tài xế coi trời bằng vung, ngang nhiên nhấn ga, tông thẳng vào CSGT sẽ không còn xảy ra.
Có thể thấy, để giảm thiểu tai nạn khi TGGT, mỗi người dân chỉ cần có một chút ý thức chấp hành luật lệ thì sẽ tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân và toàn xã hội. Mong rằng, trong năm mới 2011, văn hóa giao thông của mọi người sẽ được nâng lên một tầm cao hơn.
HẠ LINH