Nhiều người chỉ vì muốn nhanh hơn một chút nên đã bất chấp nguy cơ tai nạn và sự ngăn cản của nhân viên đường sắt, liều lĩnh vượt qua các rào chắn khi tàu đã đến rất gần...
Nhiều người chỉ vì muốn nhanh hơn một chút nên đã bất chấp nguy cơ tai nạn và sự ngăn cản của nhân viên đường sắt, liều lĩnh vượt qua các rào chắn khi tàu đã đến rất gần...
Khi ngày Tết cổ truyền đang đến gần, cũng là lúc số lượng tàu ra vào Ga Nha Trang nhiều hơn, tần suất đi lại trong ngày cũng dày hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhân viên đường sắt (NVĐS) phải thường xuyên hạ gác chắn các đường ngang có tàu đi qua, các phương tiện giao thông đường bộ cũng vì thế phải thường xuyên dừng lại, nhường đường cho tàu qua. Do đó, hiện tượng người dân cố tình vượt các rào chắn vốn đã nhiều, lại càng nhiều hơn. Chỉ cần đứng quan sát ở trạm chắn khu vực Mả Vòng vào giờ cao điểm cũng nhận thấy ý thức chấp hành rất kém của người đi đường. Khi NVĐS bắt đầu kéo rào chắn, mọi phương tiện bỗng tăng tốc, gắng vượt qua trước khi rào chắn khép kín. Chỉ có khoảng một nửa số người đi đường dừng ngay khi có hiệu lệnh tàu đến. Số còn lại tìm mọi cách chen thật nhanh qua khoảng hẹp mà rào chắn chưa kịp kéo tới. Dù cố gắng hết sức, NVĐS cũng không tài nào chặn được hết dòng người cứ ùn ùn lao qua, người này tiếp nối người kia. Cả khi rào đã được đóng kín, không ít người vẫn hậm hực căn vặn NVĐS: “Tàu chưa tới mà sao ông không cho tôi qua?”. Nhiều người còn tỏ thái độ không hài lòng khi bị các NVĐS cương quyết chặn lại không cho qua. Có lần, khi một bên rào chắn đã đóng lại thì một chiếc xe tải cố tình băng nhanh qua khoảng trống còn lại. Nhưng khi một phần xe mới qua được đường sắt thì xe bất ngờ chết máy. Đoàn tàu đã chạy đến rất gần! Cũng may, cuối cùng chiếc xe kịp nổ máy để vượt qua đường sắt!
Cố tình vượt chắn tàu là "đánh bạc" với tính mạng của bản thân |
Các rào chắn tại các đường ngang dân sinh cũng phức tạp không kém. Ở các điểm chắn nhỏ này thường chỉ được bố trí 1 NVĐS nên việc gác chắn tàu lại càng khó khăn hơn. Điển hình như ở rào chắn Hương lộ 45. Khá nhiều lần, NVĐS đành bất lực nhìn người dân liều lĩnh vượt qua rào chắn khi đoàn tàu đã tới gần. Thậm chí cả khi rào chắn đã đóng, vẫn có người nâng thanh chắn lên để người luồn xe nối tiếp nhau, lách qua cả phần đường bên kia đang kẹt cứng người và xe dừng chờ tàu. Chưa hết, có khi còn thêm vài chiếc xe từ con đường nhỏ dọc theo đường sắt đột nhiên phóng tới. Khi người và phương tiện đã “lọt” vào khoảng giữa hai thanh chắn, NVĐS bất đắc dĩ phải “giải thoát” cho họ bằng cách dỡ rào. Có khi tàu đang chạy, có người lại “hồn nhiên” ngồi ngay dưới thanh chắn để… xem tàu!
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhân viên của Xí nghiệp Quản lý đường sắt Phú Khánh cho biết: “Tuy có nhiều người dân thiếu ý thức ào ào băng qua đường ngang nhưng NVĐS vẫn không thể dùng biện pháp mạnh để ngăn cản và phải tránh xảy ra xô xát với người đi đường”. Theo anh Tuấn, khoảng cách hãm an toàn của tàu thường là 800m, và NVĐS luôn đóng rào trước khi tàu sắp đến ít nhất 3 phút, nhưng nếu người dân vẫn cố tình đi qua đường ngang, khả năng tàu sẽ phải hãm gấp dưới khoảng cách an toàn này, rất dễ gây ra tai nạn cho đoàn tàu. Khi người dân vượt rào chắn, họ cũng thường chạy nhanh nên tai nạn giao thông cũng rất dễ xảy ra. Theo quy định của pháp luật thì hành vi này bị phạt tiền từ 75 ngàn đồng trở lên nhưng đến nay vẫn chưa có mấy ai bị phạt.
Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có khá nhiều gác chắn. Tình trạng cố tình vượt rào chắn đường sắt xảy ra ở hầu hết các điểm. Có nơi người dân còn liều mạng băng qua đường cấm đã được rào cố định. Hành vi vi phạm này không chỉ gây khó khăn cho các NVĐS trong khi làm nhiệm vụ, mà còn có nguy cơ tự gây nguy hiểm về tính mạng của bản thân họ. Đã đến lúc, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông đường sắt. Cơ quan chức năng cũng cần xử phạt nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật này.
HẠ LINH