05:12, 07/12/2010

Giáo dục kỹ năng giao tiếp cho trẻ thời @

Nhiều phụ huynh thường than thở rằng con cái mình không biết thể hiện tình cảm qua lời nói. Thời xưa, “đi thưa về trình”, ăn nói thiếu lễ độ coi chừng bị phạt.

Nhiều phụ huynh thường than thở rằng con cái mình không biết thể hiện tình cảm qua lời nói. Thời xưa, “đi thưa về trình”, ăn nói thiếu lễ độ coi chừng bị phạt. Bây giờ, trẻ em nhiều khi quên mất phép xã giao, gặp khách lạ tới chơi nhà cứ trân trân nhìn hoặc lí nhí vài câu trong miệng rồi “lủi”. Nguyên nhân nào khiến trẻ bây giờ có vẻ khô khan, thiếu tình cảm vậy?

Điều rõ thấy nhất là trong thời buổi thông tin hiện nay, việc giao tiếp đã thay đổi nhiều để phù hợp với môi trường mới. Bên cạnh việc nói năng cộc lốc và ít bày tỏ tình cảm, nhiều cháu hay mắc phải lỗi về kỹ năng giao tiếp. Điều đó bắt nguồn từ những tiện ích thời @. Thử so sánh với thế hệ cách đây 20 - 30 năm, sẽ thấy thế hệ trẻ bây giờ có quá nhiều phương tiện nghe, nhìn, giải trí, thông tin liên lạc… khiến cho chúng trở thành “cộc lốc”! Vào thế giới chat của bọn trẻ mới thấy, chúng sử dụng những ngôn từ ngắn ngủn mà người lớn nhiều khi lướt qua chẳng thể hiểu. Ngay cả điện thoại hay tin nhắn của trẻ cũng có “ngôn ngữ” riêng! Thế giới trên ti vi thường làm trẻ bị động, ít chịu suy nghĩ, và trong thế giới ảo của mạng Internet, chắc chắn việc nói năng càng hạn chế. Theo các thống kê hiện nay, có đến hơn 60% học sinh cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học sử dụng Internet. Điều đó dường như đã khiến thế hệ trẻ ngày càng “ít lịch sự” đi. Hiện tượng con cái đang nói chuyện với người lớn nhưng mắt lại chăm chắm nhìn vào ti vi hay vẫn liên tục bấm bấm điện thoại di động là chuyện thường thấy, có người lớn không để ý, riết rồi cho là chuyện bình thường, trong khi thật ra, đó là điều không phải chút nào!

Tuy nhiên, không phải tất cả con trẻ đều cộc lốc nếu cha mẹ biết cách hướng dẫn con cái “học ăn, học nói…”. Làm thế nào để tránh được việc đến một lúc nào đó, những lời nói nhẹ nhàng, quan tâm đến nhau cũng trở thành xa xỉ? Đã đến lúc phụ huynh cần quan tâm đến việc con cái mình sử dụng các phương tiện hiện đại như thế nào để lịch sự hơn. Các bậc phụ huynh cũng cần có những cách tiếp cận con trẻ một cách phù hợp để giáo dục trẻ có thói quen giao tiếp đúng. Theo kinh nghiệm của chị bạn tôi, chị thường xuyên đọc sách cho các cháu nghe, dù rằng việc đó tốn rất nhiều thời gian. Đọc sách và kể chuyện cho con nghe khi còn bé là điều kỳ diệu nhất để giáo dục tâm hồn cho trẻ thêm phong phú, giúp xây dựng tình cảm tốt đẹp với mọi người, nhất là khi chúng chưa tiếp xúc với điện thoại, chat… Ngoài ra, chị rất quan tâm đến việc dạy lễ phép. Đối với cháu lớn đang học lớp 11, chị luôn dạy con nói chuyện điện thoại và sử dụng điện thoại khi nhắn tin sao cho lịch sự. Ngay cả việc gửi email cũng phải thật tế nhị và có thái độ nhún nhường. Khi có việc quan trọng, nhất thiết phải tắt điện thoại di động. Ví dụ như khi cùng đi chơi với cả gia đình, thấy con cứ chăm chăm chú tâm vào cái điện thoại và đầu óc thì để đâu đâu, vẩn vơ với các tin nhắn là chị nhẹ nhàng nhắc nhở. Nếu cần thiết có thể cho phép để điện thoại ở chế độ rung, nhưng khi có điện thoại cũng phải xin phép người lớn rồi tìm chỗ nào kín đáo nói chyện để người xung quanh không bị ảnh hưởng. Cần chú ý đến những chiếc điện thoại chụp hình. Không phải bất cứ lúc nào cũng có thể chụp hình được, nhất là chụp qua điện thoại di động. Đây là phép lịch sự tối thiểu của con người. Ở nhiều nước khác, việc chụp hình không xin phép là vi phạm pháp luật!

Chị tâm sự, muốn cháu nghe thì bản thân mình cũng phải làm gương cho con cái. Khi sử dụng chat, anh chịï nhất thiết phải chat bằng tiếng Việt có dấu, câu cú rõ ràng, không ỡm ờ…, nhất là khi anh chị chat với con.

Một điều mà chị cũng thường nhắc cháu là biết quan tâm và chia sẻ đúng lúc, phù hợp. Chẳng hạn, khi chia buồn, không nên sử dụng bằng email. Nhiều người thường viện cớ do quá bận bịu và thư điện tử là hình thức liên lạc tốt và nhanh nhất để lý giải cách thức chia buồn của mình. Nhưng chị giải thích với con, nếu ở xa không có điều kiện đến thăm hỏi, tốt nhất là sử dụng điện thoại để chia buồn và sau đó nên gửi thư viết tay để tỏ rõ lòng thành tâm muốn chia sẻ. Tương tự như vậy, những dịp vui vẻ như chúc mừng sinh nhật, chúc mừng thi đỗ…, một tấm thiệp sẽ trân trọng hơn rất nhiều và sẽ trở thành kỷ niệm để người nhận lưu giữ. Đơn giản vì một email có thể dễ dàng delete (xóa) hơn là một tấm thiệp! Có lẽ thế chăng, nên cũng chẳng ai mời đến dự đám cưới bằng email cả!

DUY AN