08:12, 27/12/2010

Để đào tạo tại chức không bị tiếng oan!

Cách đây khá lâu, trong 1 lần quay phim lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Khánh Hòa, tôi khá bất ngờ khi nghe các vị ngồi ghế hội đồng giám khảo hết lời khen ngợi 1 sinh viên tại chức.

Cách đây khá lâu, trong 1 lần quay phim lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học (ĐH) chuyên ngành kỹ thuật ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Khánh Hòa, tôi khá bất ngờ khi nghe các vị ngồi ghế hội đồng giám khảo hết lời khen ngợi 1 sinh viên (SV) tại chức (TC). Trong giờ giải lao, tôi lại nghe “lóm” các thầy trao đổi với nhau, cho rằng đây là 1 đồ án thực sự xuất sắc, hơn hẳn nhiều SV chính quy tại trường và có thể phát triển cao hơn về mặt học thuật. Theo như tôi được biết, tác giả đồ án tốt nghiệp ấy là một cán bộ kỹ thuật công tác ở huyện Diên Khánh, không biết anh ấy bây giờ đã phát triển ra sao. Ngay ở cơ quan tôi cũng có một số người do hoàn cảnh trước đây không có điều kiện học hành thuận lợi, sau này phải đi tiếp bằng con đường đào tạo TC nhưng năng lực tư duy và hiệu quả công tác của họ không thua kém gì - nếu không nói là có phần vượt trội so với nhiều đồng nghiệp khác tốt nghiệp hệ chính quy hẳn hoi.

Ảnh minh họa

Nhưng cũng cần phải thấy rằng những trường hợp như thế này rất ít, nếu không nói là rất hiếm. Cũng chính ở cơ quan tôi, nhiều người đã tốt nghiệp ĐH hành chánh, cao cấp chính trị (theo hình thức TC) mà không thể viết nổi 1 công văn thông thường cho đúng thể thức văn bản và cũng không thiếu các vị thạc sĩ “vừa - học - vừa - làm” không có gì nổi trội hơn trong công việc so với những người có bằng cấp thấp hơn nhiều. Còn ở các trường học, nghe nói cũng đã có không ít trường hợp tiến sĩ lên lớp bị xếp loại giờ dạy không đạt yêu cầu do “hổng” về cả kiến thức và phương pháp giảng dạy! Có lẽ đây cũng là thực tế khá phổ biến ở nhiều nơi khác nên tuy không chính thức tuyên bố “cấm cửa” tuyển dụng nhân sự có bằng TC như ở Đà Nẵng nhưng ở nhiều địa phương, đơn vị người ta lẳng lặng chọn người tốt nghiệp hệ chính quy và có nơi chỉ tuyển dụng SV tốt nghiệp các trường công lập.

Thực ra, bản thân việc đào tạo TC không đáng bị tội oan như thế. Phương thức đào tạo này đã có từ lâu trên thế giới với yêu cầu cao về tự học, tự nghiên cứu và tất nhiên “đầu ra” cũng chặt chẽ, nghiêm ngặt không khác gì các hình thức đào tạo khác; bởi vậy, lấy được tấm bằng tốt nghiệp TC ở xứ người là chuyện không dễ dàng gì. Ở nước ta, trong nhiều năm qua, việc đào tạo TC ngày càng bị biến tướng do ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vốn đã có nhiều tiêu cực nay lại chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường nên việc học hành, thi cử TC ở nhiều nơi thiếu nghiêm túc, chặt chẽ; nay lại được “tiếp sức” với các chế độ nâng lương, đề bạt dựa vào bằng cấp nên việc chạy chọt, “mua” điểm ngày càng nở rộ và chất lượng đào tạo TC ngày càng sa sút hơn. Đào tạo TC đang là “nồi cơm chính” của cả trường ĐH và đơn vị liên kết nên dù bị dư luận xã hội chê trách vẫn tranh thủ mọi cơ hội mở lớp; thậm chí có trường trung cấp chuyên nghiệp liên kết đào tạo cả trình độ thạc sĩ ! Do sức hút của thu nhập, nhiều giảng viên kỳ cựu, có học hàm học vị cao quanh năm đi dạy TC khắp nước; có người dạy hơn 1.000 tiết/năm nên không có điều kiện đầu tư cho giảng dạy theo các phương pháp mới; trong khi các cơ sở liên kết ở địa phương lại thiếu thốn mọi bề (nhất là thư viện, thực hành, thí nghiệm…), lớp học nào cũng cả trăm học viên nên đọc - chép là chính! Mặt khác, do phần lớn SV TC là người có thu nhập nên sẵn lòng chiều chuộng thầy; nhiều lớp TC có hẳn lịch phân công đưa đón và có cả “chế độ” bồi dưỡng từng đợt thỉnh giảng hẳn hoi! Bởi vậy, nhiều thầy cô giáo dễ dãi, qua loa trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của SV TC; thậm chí ở một số nơi ngay trong giờ thi SV đã dùng điện thoại di động chuyển đề ra ngoài cầu viện trợ giúp.

Để đào tạo TC không bị tiếng oan và chất lượng đào tạo TC không bị thả nổi như nhiều nơi hiện nay thì trách nhiệm không đâu khác là của ngành GD-ĐT, trước hết là của Bộ GD-ĐT. Với cái đà nâng cấp, thành lập trường ĐH ồ ạt và không ngừng mở rộng mã ngành, tăng chỉ tiêu đào tạo bất chấp điều kiện thiếu thốn, hạn chế mọi bề của các trường ĐH và các cơ sở liên kết ở các địa phương như hiện nay thì e rằng đào tạo TC vẫn còn “dưới sàng” và nguy cơ bị cấm cửa tuyển dụng sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi khác nữa, không riêng gì Đà Nẵng!

ĐỖ QUYÊN